PDA

View Full Version : Đi coi Robocon để học bọn trẻ ! ( báo Thanh Niên )


vnrobot
23-08-2007, 09:53 AM
Chuyện trò một lúc, bỗng rõ ra là hai anh bạn cố tri đều đang "tâm trạng". Không phải sơ sơ, mà đều ở cấp độ 3 - tức là cái cấp độ mà chạm vào là bung ra nỗi chán ngán đã... đậm màu triết lý !


Một anh làm ở cơ quan sự nghiệp, say nghề lắm, có một dự án công việc rất sắc sảo. Ai cũng thấy hợp lý, ai cũng thấy hay, ai cũng bảo thông minh lắm, tâm huyết lắm mới nghĩ ra được. Thế mà tháng ngày trôi đi, mọi cái cứ "đèn cù nó lại vòng quanh". Tôi nói: Phải có cách chứ ? Anh cười buồn: Tôi đã mất ba năm lăn lộn, chỉ để hiểu ra một điều, là mình sinh ra thì mọi cái cũ nó đã có nền, có nếp rồi, có cố thay đổi mà chưa gặp thời thì cũng chẳng đi đến đâu. Việc của tôi coi như hết cách, hết phương, ngoài một cách, một phương: chờ đợi.

Anh bạn khác là doanh nhân. Trong nước, ở lĩnh vực anh làm, thì cũng vào hàng "nhất mẹ nhì con". Anh vừa hào hứng đi một vòng sang Tây tìm "đầu ra" mới. Nhưng mọi cái mình có thể làm, thấy người ta đã xuất khẩu sang đó nhiều ê hề, mà giá thì... bằng phân nửa giá của mình. Tìm xem có thể làm cái gì "độc", nhưng thấy mọi thứ người ta trọn gói đâu vào đấy cả rồi ! Từ công nghệ đến cung cách quản lý, mình đều chạy theo sau, thì làm sao len vào được. Tôi nói: Chả lẽ lại hết mọi cửa ? Anh bạn thõng thượt thở dài: Ông ngồi ở nhà thì dễ nói lắm, riêng bọn tôi đi một vòng kiếm tìm thì thấy mình đã chậm chân so với thiên hạ quá rồi, người ta đã làm sạch những gì mình có thể làm, thậm chí còn làm sạch cả những gì còn lâu mình mới làm được. Với ai không biết, với tôi là hết cửa, hết sân rồi, ngoài một cửa: An phận làm gia công theo chỉ dẫn của thiên hạ !

Phần mình, tôi cũng thú thật với hai ông bạn rằng không phải một lần tôi cũng có cảm giác "hết cửa" như vậy. Mà chắc cảm giác này cũng thường có ở ngàn vạn người khác.

Tôi xin kể lại một chuyện, hay đúng hơn là một câu nói của một chàng sinh viên Bách khoa TP.HCM, đã gây cho tôi ấn tượng mạnh đến nỗi từ đó tôi tin rằng cảm giác "hết cửa" nói trên không bao giờ là cảm giác đúng. Cách đây một năm, chúng tôi chứng kiến cuộc thi Robocon của sinh viên châu Á - Thái Bình Dương tại Malaysia. Trên đường đi, chúng tôi đoán và mong đội nhà - là đội BKPro của trường Bách khoa TP.HCM - vào được trận chung kết. Các đội sinh viên tham gia thi đấu giữ kín bí mật vận hành của các con robot. Nhưng vào ngày hôm trước cuộc đua tài, khi đưa robot vào thử sân, thì mọi chiến thuật của mỗi đội đều lộ rõ. Quan sát các đội bạn thử sân, chúng tôi toát mồ hôi hột. Có những đội mà các robot của họ chưa tiến vào trong sân thì đánh rào một cái chúng bắn ra một loạt các thanh, lưới chặn "băm nát" phần sân đối phương, khó có robot nào của đối phương còn đường tiếp cận mục tiêu. Đội chủ nhà có một chiêu khiếp đảm: Ngay từ giây đầu, robot của họ tung ra một khung thép, vừa kịp nghe "rầm" một tiếng đã thấy chụp gọn mục tiêu chính, rồi tự động xổ cờ quốc gia chùm kín mục tiêu, và bằng cách đó, đặt dấu chấm hết cho bất cứ cố gắng nào của đối thủ để tiếp cận, ghi điểm. Xem một lúc, chúng tôi thì thào: Thôi, đội nhà có giải ba, tư gì cũng là quý rồi. Xem lúc nữa, chúng tôi "hạ chỉ tiêu" : Mong sao qua vòng loại, họ chặn hết sân thế này thì có cách gì mà robot đội mình vào ghi điểm được ! Ngày thi đấu, đội Việt Nam gặp các đội mạnh nhất, và phải đối mặt với tất cả các chiêu cản phá như đã kể trên, chẳng thiếu chiêu nào. Kỳ lạ thay, những robot của sinh viên Việt Nam cứ lách qua hết mọi chướng ngại, lách qua mọi đòn ngăn chặn, lách qua các robot đối phương đắt tiền hơn nhiều lần... để đến mục tiêu, ghi điểm, và chiến thắng, và giành ngôi vô địch ! Như thể trên sân các robot made in Vietnam này lúc nào cũng được dành cho các lối đi riêng, không có gì vướng cả. Thắng như chẻ tre. Thắng như thể dĩ nhiên sẽ thắng. Trong buổi mừng đón BKPro thắng lợi trở về, chàng sinh viên - có lẽ là thành viên trẻ nhất của đội - đã kể: Khi xem các đội bạn thử chiến thuật, bọn em cũng hoảng, vì họ đánh chặn ghê quá. Cả đội họp nhau, thống nhất: Mạnh cho mấy đội bạn cũng không thể che kín hết sân. Trên sân còn có đường robot đi, thì chúng ta còn có thể vô địch. Thế rồi bọn em suy tính, điều chỉnh cách đi của robot để ứng phó với từng đối thủ...

Rất hồn nhiên, chàng sinh viên trẻ chắc chẳng bao giờ nghĩ mình đã nói lên một ý có thể sẽ thành châm ngôn cho rất nhiều người khi phải đối mặt những cam go của thời hội nhập.

Còn đường đi là còn có thể thắng ! Sân thi đấu Robocon chỉ tính bằng số mét vuông mà bị chặn mấy vẫn còn có đường đi. Cuộc đời mênh mông, xã hội bao la, thế giới muôn phương, thương trường vạn nẻo... không bao giờ lại hết đường đi, nếu con người quyết tìm cho ra đường để đi đến đích.

Buổi nói chuyện hôm đó đến nay cũng đã lâu. Chủ nhật 26.8 này sẽ diễn ra cuộc thi Robocon quốc tế, lần này ở Hà Nội. Đầu tuần, hai ông bạn bất ngờ gọi điện thoại, xin vé đi xem. Tôi cẩn thận rào đón: Năm lần Robocon thì ba lần Việt Nam vô địch, lần này các đội bạn người ta sẽ cố hết sức để đoạt ngôi, bởi vậy đi xem, lỡ đội mình không đoạt giải, cũng đừng buồn !

Từ đầu dây kia, tiếng anh bạn cười rất to:

- Khỏi lo đi ! Đâu quan trọng thắng thua ! Chúng tôi đi coi là để học bọn trẻ cách lúc nào cũng tìm ra đường mà đi !


Trần Đăng Tuấn

quoc_thaibk
23-08-2007, 05:17 PM
Hic mình nhỏ 4 giọt nước mắt vì bài này.
Thanks bạn nhé làm mình nhớ tới khoảng thời gian đẹp đẽ.

binhdt04
21-09-2008, 01:30 PM
hai từ đẻ miêu tả bài viết này : very good !
4 từ để động viên (vn):cứ thế mà làm........
mình tin chắc tất cả người chơi robocon đều cảm thấy xúc động
ấn tượng nhất là câu này :
" Khỏi lo đi ! Đâu quan trọng thắng thua ! Chúng tôi đi coi là để học bọn trẻ cách lúc nào cũng tìm ra đường mà đi ! "

popeye_ts22
23-09-2008, 02:24 AM
Bài viết này em đã đọc cách đây rất lâu trên báo,nay tình cờ đọc lại.Thấy đúng tâm trạng làm robot wá...