PDA

View Full Version : Học PIC trong 1 ngày (Upd. 01/01/2006)


falleaf
24-05-2005, 01:21 AM
Cơ bản về PIC

Dưới đây là hình mạch chạy của PIC16F84A, PIC16F628A và PIC16F88. Tất cả các PIC này đều có vị trí chân tương ứng nhau, và thậm chí có thể nói PIC16F628A tương thích PIC16F84A và PIC16F88 tương thích với hai loại còn lại. Có nghĩa là trong các ứng dụng của PIC16F84A, khi thay đổi bằng PIC16F88, hay PIC16F628A đều được.

http://i3.photobucket.com/albums/y64/falleafd/MachchayPIC16F628A.gif

Tất nhiên, 3 loại vi dòng PIC trên đây có thể tương thích với nhiều dòng PIC cũ hơn, nhưng vì thị trường PIC Việt Nam phổ biến với 3 loại PIC này, cho nên chúng tôi chỉ đề cập đến 3 loại PIC này mà thôi.

Sau khi các bạn có mạch nạp, chương trình nạp, MPLAB IDE, CCS C hoặc HT PIC, các bạn làm mạch chạy này. Kể từ đây khi thiết kế cách mạch test, hoặc các thiết bị ngoại vi khác, cần thử nghiệm, các bạn chỉ việc thiết kế mạch ngoài, sau đó cắm vào các chân ra và chạy thử.

Khi mạch chạy tốt, các bạn muốn thiết kế được hoàn chỉnh, các bạn chỉ việc copy mạch chạy từ Orcad và dán vào mạch nguyên lý của thiết bị của bạn. Xoá các chân header đi, và nối dây vào trong mạch chạy PIC. Như vậy, chúng ta không phải tốn thời gian thiết kế cho PIC nữa.

Một vài điểm lưu ý về mạch như sau:

- Nguồn chỉ dùng cho PIC, tuyệt đối không dùng bộ nguồn này cho thiết bị ngoại vi. Nếu thiết bị ngoại vi cần nguồn, các bạn thiết kế bộ nguồn riêng. Một số thiết bị ngoại vi quá đơn giản, và tốn ít dòng, các bạn có thể dùng nguồn chung (khoảng 100mA)

- Tôi không khuyến khích dùng dao động nội của PIC, bởi vì dao động nội chỉ chạy được ở 4MHz, và không ổn định như dùng thạch anh ngoài. Một số đề tài công nghiệp, họ dùng thạch anh chuẩn công nghiệp 4 chân, nên chúng ta cũng tạo thói quen dùng thạch anh ngoài, không cần quá tận dụng 2 chân của PIC.

- Mạch reset này là mạch reset đơn giản nhất của PIC, và tạo chế độ reset power on. Một số ứng dụng của PIC yêu cần mạch brownout reset, các bạn có thể tham khảo trong datasheet. Nhưng tôi thiết nghĩ, những đề tài thông thường, không cần dùng mạch brownout reset này.

- Chúng ta thống nhất chuẩn thiết kế cho các header là nối vào các chân của PIC theo thứ tự hai chân ngoài cùng là Rx0 và GND. Mục đích là để khi chạy mạch in, chân GND có thể được xếp ra phía ngoài, chân Rx0 để quy định cho tất cả các port khác nhau, vì có port chỉ có 3 chân, có port 5 chân, 8 chân... Nếu lấy chân RB7 làm chuẩn chẳng hạn, thì sẽ rất khó giải thích khi lấy chân RA4 đặt ra phía ngoài. Vì vậy RA0 và RB0 chúng ta lấy làm chuẩn. Điều này cũng đã được thực hiện trong một số tutorial, và gần như là quy ước bất thành văn khi thực hiện các mạch phát triển cho vi điều khiển. Chân VDD (5V) được nối vào, nhằm sử dụng cho các ứng dụng cần có điện áp ngõ vào, nhưng không cao lắm như ở trên đã nói (100mA). Tuyệt đối không thiết kế chân VSS (GND) và chân VDD (5V) ở hai đầu của header, tránh tình trạng đôi khi chúng ta không để ý cắm nhầm, có thể làm hỏng PIC, hoặc hỏng luôn cả thiết bị ngoại vi.

- Các nút bấm và công tắc, tôi thiết kế là các nút bấm 4 chân, vì hiện nay trên thị trường hầu như chỉ bán loại nút bấm này, và loại nút bấm này chắc chắn hơn loại 2 chân trước đây. Các bạn cũng lưu ý sau này khi thiết kế nút bấm cũng nên thiết kế nút bấm 4 chân.

- Con ổn áp 78L05 khác với con 7805. Nó là dạng TO92, tức là nó giống như con transistor thông thường, nên rất nhỏ, chứ không phải dạng 3 chân và có tấm tản nhiệt phía sau như con 7805. Do vậy, mạch thiết kế sẽ nhỏ đi khá nhiều.

- Ở đây, tôi không chạy ra mạch in, vì rằng tôi muốn dành công việc này cho các bạn sinh viên mới học. Sau khi các bạn làm xong mạch in, nếu các bạn có thể chia sẻ với chúng tôi thì thật là tuyệt vời. Chỉ có một điều lưu ý là, chúng ta thường không cắm trực tiếp vi điều khiển vào mạch để hàn, mà chúng ta cắm qua một socket để có thể gỡ ra lập trình lại, và để đảm bảo không bị cháy PIC khi hàn. Do vậy, khi cắm socket, các bạn sẽ có thể nhét hai tụ nối ở thạch anh vào bên trong socket, khi cắm PIC lên, nó sẽ che hai cái tụ đó đi, và mạch của các bạn sẽ gọn gàng hơn. Socket loại 18 chân không thể nhét thạch anh và điện trở nối từ chân MCLR đến VDD vào bên trong được, nhưng sau này khi dùng PIC 28 hoặc 40 chân, các bạn nên nhét tất cả vào bên dưới socket để cho mạch gọn gàng hơn.

- Một điểm cuối cùng, chúng tôi không thiết kế phần nạp bằng ICSP, bởi vì chúng tôi không muốn làm cho các bạn mới học PIC cảm thấy bối rối. Chúng ta sẽ thực hiện mạch chạy PIC với các chân ICSP và bootloader sau.

falleaf
24-05-2005, 04:10 AM
Học vi điều khiển PIC trong 1 ngày

Bài tập 1: Bật tắt đèn LED


http://i3.photobucket.com/albums/y64/falleafd/LED_1.gif

Cực dương của LED được nối với điện trở, điện trở được nối với các chân vi điều khiển. Cực âm của LED được nối với GND của vi điều khiển. Như vậy, khi chân vi điều khiển ở mức cao, tức là 5V, đèn LED sẽ sáng. Khi chân vi điều khiển ở mức thấp (0V) đèn LED sẽ tắt.

Lưu ý trong hình: Giá trị của điện trở được xác định dựa vào dòng tối đa của vi điều khiển, điện áp và dòng điện tối đa của đèn LED. Như vậy, giá trị nhỏ nhất của điện trở được dùng được tính toán như trong hình. R = 125 Ohm.

Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động của đèn LED, chúng ta nâng giá trị điện trở lên thành 200 Ohm. Đèn LED khi sáng quá, chỉ cần sờ tay vào nó, hoặc các va chạm mạnh, hoặc trường hợp bị tĩnh điện, đèn LED có thể bị hư ngay. Hiện tượng này dễ thấy nhất là ở các LED cực sáng dùng trong các bảng hiệu hoặc biển báo giao thông, các đèn LED cực sáng chỉ cần chạm tay vào, sẽ có hiện tượng tĩnh điện và nổ ngay. Với các LED thường và dùng trong thí nghiệm, khó xảy ra hiện tượng này, tuy nhiên chất lượng sản xuất của các đèn LED cũng không đảm bảo, do vậy chúng ta chọn giải pháp an toàn là trên hết. Hơn nữa, chúng ta cũng không cần đèn LED quá sáng.

Để bắt đầu bài tập 1, chúng ta tìm hiểu sơ qua về cấu trúc một chương trình viết bằng MPASM như sau:

Bất cứ một chương trình ASM nào, cũng được bắt đầu bằng việc giới thiệu về chương trình, tên chương trình, người thực hiện chương trình, ngày thực hiện chương trình, ngày hoàn tất, người kiểm tra lại chương trình, ngày kiểm tra chương trình, phiên bản của chương trình, mô tả phần cứng của mạch giao tiếp và một số chú thích. Vì vậy, tôi đưa ra đây một form mà tôi cho rằng hợp lý, từ đây về sau, các bạn chỉ cần cắt dán form này, thay đổi nội dung từng mục để làm phần mở đầu.

Chúng ta quy định một số quy ước sau:


;========== dùng để phân cách các phần chính của chương trình
;---------------- dùng để phân cách các chương trình con của chương trình



;================================================= =======
; Ten chuong trinh : Mach test den LED_1
; Nguoi thuc hien : Falleaf
; Ngay thuc hien : 23/05/2005
; Phien ban : 1.0
; Mo ta phan cung : Dung PIC16F628A - thach anh 10MHz
; : LED giao tiep voi PORTB
; : Cuc am cua LED noi voi GND
; : RB0 - RB7 la cac chan output
;----------------------------------------------------------------
; Ngay hoan thanh : 23/05/2005
; Ngay kiem tra : 23/05/2005
; Nguoi kiem tra : Doan Hiep
;----------------------------------------------------------------
; Chu thich : Mo ta cac diem khac nhau cua cac phien ban khac nhau
; : hoac cac chu thich khac
; : vd, dung che do Power On Reset, PORTB = 00000000
; : hoac, chuong trinh viet cho PIC Tutorial
; : hoac, chuong trinh nay hoan toan mien phi va co the dung cho
; : moi muc dich khac nhau
;================================================= =======



Mặc dù chưa chắc rằng đoạn chú thích này có thể ngắn hơn chương trình các bạn viết, và như vậy việc viết chú thích dài hơn việc viết chương trình? Không, thực sự các chú thích này rất quan trọng, vì sau 1, 2, 3 năm, các bạn nhìn lại, các bạn sẽ vẫn còn hiểu được mình đã làm gì. Có thể khi mới bắt đầu, các bạn thấy công việc ghi chú này là nhàm chán, chính vì vậy, tôi đã cung cấp form của ghi chú này, các bạn sau đó chỉ cần cắt và dán. Tôi hy vọng rằng các bạn nên tạo thói quen đưa đoạn chú thích này vào chương trình để các bạn trở nên chuyên nghiệp hơn khi làm việc với vi điều khiển, cụ thể ở đây là PIC.

Tất nhiên, đây là bài học đầu tiên, do vậy các chú thích sẽ được ghi rất chi tiết, nhất là khi mô tả phần cứng. Sau này, với các mạch phức tạp hơn, các bạn không thể ghi chú quá chi tiết như thế này được, các bạn chỉ ghi chú những điểm chính thôi. Cũng tất nhiên, khi lập trình với CCS C hay HT PIC, các bạn cũng nên ghi chú như vậy trong chương trình chính, nhưng chúng ta chưa bàn đến CCS C và HT PIC ở đây.

falleaf
24-05-2005, 04:13 AM
Phần thứ hai các bạn cần học, đó là khởi tạo PIC. Phần này là phần bắt buộc theo sau phần ghi chú, bởi vì chương trình dịch cần phải hiểu bạn đang làm việc với con PIC nào, làm việc với nó như thế nào?

;================================================= ======
TITLE "Mach test LED_1"
PROCESSOR P16F628A
INCLUDE <P16F628A.inc>
__CONFIG _CP_OFF & _PWRTE_ON & _WDT_OFF &_HS_OSC

;================================================= ======

Các bạn sẽ thấy rằng có một số từ khoá như sau:

TITLE: dùng để các bạn ghi chú thích tên chương trình. TITLE là ten chương trình chính. Cú pháp ghi TITLE như trên. Nhớ phải có dấu nháy kép khi viết tên chương trình.

PROCESSOR: dùng để khai báo dòng vi điều khiển mà các bạn sử dụng. Các bạn lưu ý, trong MPLAB quy định, không viết đầy đủ tên PIC16F628A mà chỉ viết P16F628A, vì trong chương trình dịch đã quy định như vậy.

INCLUDE: dùng để đưa thêm vào các file mà bạn viết trong chương trình. Mặc định, trong MPLAB đường dẫn đến thư mục chứa file P16F628A.inc đã có sẵn. Nếu bạn đặt file ở nơi khác không phải trong thư mục bạn đang làm việc, hoặc các file include khong phải là file .inc có sẵn của MPLAB, thì các bạn phải chỉ đường dẫn rõ ràng. Lưu ý rằng, để MPASM dịch được, các bạn phải đặt đường dẫn từ thư mục gốc đến hết tên file (kể cả phần mở rộng của file) không được quá 60 ký tự.

__CONFIG: dùng để thiết lập các chế độ hoạt động của PIC. Các bạn có thể xem để hiểu thêm về các chế độ hoạt động này trong tài liệu

PICmicro
Mid Range MCU Family
Reference Manual

Section 27. Device Configuration Bits
Table 27-1 page 27-7

Tài liệu này có thể download trên trang web của microchip www.microchip.com, keyword: MidRange Manual.

Mỗi directive để đặt chế độ, cách nhau một ký tự &.
Nếu ghi chế độ hoạt động vào đây, các chế độ hoạt động sẽ ở trạng thái mặc định khi khởi động.
Các bạn cũng có cách khác để đặt chế độ hoạt động bằng cách tác động trực tiếp vào các thanh ghi khởi tạo. Tuy nhiên, việc này là việc làm không cần thiết, khi chúng ta đã có các directive để viết tắt.

Như vậy, chúng ta đặt ở đây chế độ _CP_OFF, tức là khôngđặt chế độ bảo vệ source code khi nạp vào PIC, sau khi nạp vào sẽ có thể đọc ngược lại từ PIC ra. Chúng ta không cần bảo vệ chương trình này, để bạn có thể đọc ngược bằng IC-PROG và kiểm tra lại.

Chế độ _PWRITE_ON, tức là cho timer 0 chạy khi Power On Reset. Thực ra timer0 có chạy hay không cũng không quan trọng, vì nó chẳng liên quan gì đến công việc của chúng ta. Nếu sau này muốn dùng timer0, thì các bạn vẫn phải khởi tạo lại giá trị cho nó, chứ đâu thể sử dụng giá trị ngẫu nhiên của nó được, thành ra cứ để cho nó chạy, sau này cần dùng khỏi phải khởi tạo.

_WDT_OFF, tại thời điểm này, tôi tắt Watch Dog Timer vì lý do các bạn chưa nên tìm hiểu phần này vội.

_HS_OSC, chúng ta dùng thạch anh 10MHz, tức là chạy chế độ dao động HS. Tham khảo tại:

datasheet PIC16F628A
Section 14. Special Features of the CPU
14.2. Oscillator Configuration
Page 95

falleaf
24-05-2005, 04:16 AM
Một điểm lưu ý cuối cùng là các bạn phải sử dụng phím TAB để phân cách các cột của một chương trình viết bằng MPASM. Các dòng khởi tạo này được viết ở cột thứ 3. Các directive __CONFIG, TITLE, PROCESSOR, INCLUDE được viết vào cột thứ 3. Còn chi tiết khởi tạo được viết vào cột thứ tư.

Cột thứ nhất dùng để viết các [NHÃN], cột thứ hai để viết mã lệnh, cột thứ ba lại dùng để viết chi tiết các tham số của lệnh, và cột thứ tư bỏ trống để tạo khoảng cách với cột thứ năm. Cột thứ năm dùng để viết các chú thích.

Các chú thích bắt đầu bằng dấu chấm phẩy (;). Trên một dòng, tất cả các ký tự viết sau dấu chấm phẩy đều vô nghĩa. Chính vì vậy, khi viết phần chú thích ban đầu, các bạn thấy rằng tất cả nội dung đó đều bắt đầu bằng dấu chấm phẩy. Như vậy, một dòng lệnh được cụ thể như sau:

NHÃN LỆNH thamso1, thamso2 ; chú thích dòng lệnh

Bây giờ chúng ta dành chút thời gian cho lý thuyết, các bạn mở datasheet PIC16F628A trang 15, Section 4. Memory Organization

Chúng ta sẽ thấy rằng tổ chức bộ nhớ chương trình của PIC được chia ra làm mấy phần như sau:

- Pointer
- Stack
- Interrupt vector
- Program memory

Chúng ta tạm thời chưa bàn đến pointer và stack.

Interrupt vector được đặt ở địa chỉ 0x0004
Program memory được đặt ở địa chỉ 0x0005

Vậy từ địa chỉ 0x0000 đến địa chỉ 0x0003 chúng ta làm được gì?

Khi PIC được reset, nó lập tức nhảy về địa chỉ 0x0000. Rồi cứ sau một chu kỳ máy, nó nhảy đến địa chỉ tiếp theo, xem xem trong địa chỉ đó yêu cầu nó làm gì, nó thực hiện việc đó, xong rồi lại nhảy tiếp. Cứ làm như thế cho đến khi hết chương trình. Tất nhiên, khi chúng ta thực hiện một số lệnh điều khiển vị trí nhảy, thì nó sẽ nhảy không theo thứ tự nữa, nhưng việc này chưa bàn vội. Chúng ta trước mắt chỉ cần biết rằng nó cứ nhảy như vậy cho đến hết chương trình.

Như vậy, nếu không sử dụng ngắt, thì chúng ta viết chương trình từ địa chỉ 0x0000 luôn, vì nó cứ thế là nhảy từ 0x0000 khi khởi động, cho đến hết chương trình. Tuy nhiên, nếu làm như vậy, sau này chúng ta sử dụng chương trình ngắt, thì chúng ta sẽ gặp trục trặc vì thói quen viết từ địa chỉ 0x0000.

Chính vì vậy, chúng ta nên đặt chương trình trong phần Program Memory như ý đồ thiết kế PIC.

Vậy, chương trình của chúng ta sẽ viết như sau:

;================================================= ===================
ORG 0x0000
GOTO MAIN


ORG 0x0005
MAIN
.....

END.
;================================================= ===================

Đây sẽ là cấu trúc một chương trình mà chúng ta sẽ thực hiện
Directive ORG dùng để xác định địa chỉ mà chúng ta sẽ làm việc.

Bây giờ chúng ta xem tiếp đến trang 16 của datasheet.

Chúng ta thấy rằng, bộ nhớ dữ liệu của PIC16F628A được chia ra thành 4 BANK, hay chúng ta gọi tiếng Việt là 4 BĂNG.

Trong 4 băng này, chúng ta thấy rõ nó được chia làm 3 phần. Phần thứ nhất là phần các thanh ghi có địa chỉ xác định (được ghi chú ở bên cạnh) và có tên tuổi rõ ràng. Những thanh ghi này được gọi là những thanh ghi đặc biệt của PIC. Tên của chúng, thực ra không có, một thanh ghi chỉ được xác định bằng địa chỉ của thanh ghi mà thôi.

Tuy nhiên, chúng ta đã làm động tác include file P16F628A.inc, file này đã định nghĩa sẵn tên các thanh ghi này, và là quy ước của MPLAB, đồng thời cũng là quy ước chung cho tất cả người dùng PIC. Chúng ta có thể thay đổi, sửa chữa những định nghĩa này, tuy nhiên việc làm đó vừa không cần thiết, lại vừa gây ra rất nhiều khó khăn khi làm việc nhóm.

Vậy các bạn phải hiểu, những tên thanh ghi này xem như là không thay đổi trong PIC, và chúng ta sử dụng nó như nó đã tồn tại vài chục năm nay.

Phần thứ hai, đó là phần General Purpose Register. Chúng ta gọi nó là các Thanh Ghi Dùng Chung. Những thanh ghi này chưa được định nghĩa, và vì thế nó cũng không có tên. Những thanh ghi này có giá trị như các biến trong chương trình mà chúng ta sẽ sử dụng.

Phần thứ ba, đó là các thanh ghi nằm ở địa chỉ 70h đến 7Fh, và vị trí tương ứng của nó ở băng 1, 2, 3. Các thanh ghi tương ứng đó ở bank1, 2, 3 sẽ tương thích với các thanh ghi từ 70h đến 7Fh ở băng 0. Tuy nhiên, chúng ta tạm thời chưa quan tâm đến phần này.

Bây giờ chúng ta học viết chương trình

;================================================= ==============================
ORG 0x0000
GOTO MAIN


ORG 0x0005

MAIN
BANKSEL TRISB ; bank select
CLRF TRISB ; trisb = 00000000
; portb = output
BANKSEL PORTB
BSF PORTB, 0 ; rb0 = 1
; RB0 = 5V
GOTO $ ; dung chuong trinh tai day
; vong lap tai cho^~
; khong bao gio ket thuc
END. ; lenh bat buoc de ket thuc
;================================================= ===============================

Rồi, như vậy, chúng ta đã thực hiện xong một chương trình viết bằng MPASM cho PIC16F628A.

Phân tích chương trình, chúng ta sẽ thấy, mới khởi động, chương trình gặp lệnh goto main, nó sẽ nhảy đến nhãn MAIN. Ở nhãn MAIN, nó gặp lệnh banksel, tức là lệnh bank select. Có nghĩa là nó sẽ chuyển sang hoạt động ở băng có chứa thanh ghi TRISB.

Vì sao? Bởi vì ban đầu khởi động, PIC luôn nằm ở băng 0. Nhưng thanh ghi TRISB lại nằm ở băng 1, vì thế cần phải chuyển sang băng 1 để làm việc. Thực ra chúng ta cũng có cách để yêu cầu PIC chuyển sang băng 1 một cách đích danh, chứ không phải là chuyển sang băng có thanh ghi trisb như chúng ta vừa làm. Nhưng việc này là không cần thiết, cả hai việc làm đều giống nhau. Chính vì vậy, chúng ta chọn cách viết nào cho dễ nhớ là được.

Sau khi chuyển sang băng 1. Chúng ta dùng lệnh CLRF để xoá thanh ghi TRISB.

Tức là TRISB = 00000000

Chúng ta lưu ý một điều rằng, thanh ghi TRISB có công dụng quy định PORTB sẽ có những chân nào là chân xuất, chân nào là chân nhập. Chúng ta nhớ thêm một điều nữa, số 0 giống chứ O, và số 1 giống chữ I. Như vậy, khi TRISB = 00000000 tức là PORTB sẽ là OOOOOOOO, tức có nghĩa là tất cả các chân của portB đều là Output. Nếu TRISB = 01010101 thì PORTB sẽ là OIOIOIOI. Có nghĩa là RB0 sẽ là Input, RB1 là Output, RB2 là Input, RB3 là Output.. cứ như thế cho đến RB7 là Output. Lưu ý rằng RB0 đến RB7 được tính từ phải sang trái.

Sau đó, chúng ta lại thực hiện lệnh Banksel portb, tức là chúng ta lại nhảy về băng 0 (băng chứa thanh ghi portb).

Tất cả các lệnh làm thay đổi giá trị của thanh ghi portb, sẽ làm thay đổi tín hiệu điện ở bên ngoài chân của PORT B.

Sau khi chuyển sang băng 0, chúng ta thực hiện lệnh BSF PORTB,0. Có nghĩa là chúng ta set bit ở vị trí 0 của portb, tức là chúng ta cho RB0 = 1.

Có nghĩa là ở ngoài chân RB0 sẽ mang giá trị điện áp 5V. Khi đó, đèn LED nối với RB0 sẽ sáng.

falleaf
24-05-2005, 04:18 AM
Các bạn sẽ thấy mach ngoài hoạt động như thế này:

Khi bật điện lên, PIC được reset. Nó lập tức bật sáng đèn LED ở RB0, rồi sau đó giữ nguyên như vậy, không làm gì cả.

Bây giờ các bạn lưu chương trình vừa viết thành LED_1.asm vào một thư mục nào đó.
Nhấn Alt - F10, chương trình sẽ dịch LED_1.asm thành LED_1.hex

Các bạn dùng mạch nạp PG2C và chương trình nạp IC-PROG để nạp vào PIC (tham khảo Hướng dẫn mạch nạp Falleaf PG2C - PIC Tutorial).

Công việc của các bạn như sau:

0) Chạy thử chương trình ban đầu

1) Thay đổi lệnh BSF PORTB, 0 bằng lệnh BSF PORTB, 1. Nạp lại chương trình mới vào PIC. Bạn sẽ thấy bây giờ đèn LED không sáng ở vị trí RB0 nữa mà sáng ở vị trí RB1.

2) Thay lệnh BSF PORTB,0 bằng đoạn lệnh

MOVLW b'11110000'
MOVWF PORTB

Bạn sẽ thấy các các chân từ RB0 đến RB3 sẽ tắt đèn, và các chân từ RB4 đến RB7 đèn sẽ sáng.

3) Bạn thay lệnh CLRF TRISB bằng đoạn lệnh

CLRF TRISB
BSF TRISB, 0

và giữ nguyên lệnh
BSF PORTB, 0

Các bạn sẽ thấy rằng đèn LED trong trường hợp này sẽ không sáng nữa.
Bởi vì các bạn đã làm cho TRISB = 00000001. Như vậy, RB0 trở thành chân Input. Khi RB0 trở thành chân Input, thì lệnh BSF PORTB, 0 sẽ không còn tác dụng nữa. RB0 lúc này không thể thay đổi giá trị bằng chương trình, nó chỉ có thể nhận giá trị điện áp từ bên ngoài vào.

4) Trong trường hợp mạch này, các bạn sẽ làm thế nào?

http://i3.photobucket.com/albums/y64/falleafd/LED_2.gif

Kết luận: Qua bài học này, các bạn đã học được các nội dung sau:

- Làm một mạch chạy PIC
- Cấu trúc một chương trình PIC
- Lập trình từ máy tính, nạp vào PIC, và cho PIC hoạt động
- Hiểu được hoạt động xuất nhập của PIC, chức năng của thanh ghi TRISA, TRISB, PORTA, PORTB, hiểu được các lệnh CLRF (xoá thanh ghi bất kỳ), MOVLW (ghi một giá trị bất kỳ vào thanh ghi W), MOVWF (ghi giá trị của thanh ghi W vào một thanh ghi khác), BSF (bật một bit trong một thanh ghi bất kỳ), GOTO (nhảy đến một nhãn bất kỳ), GOTO $ (nhảy tại chỗ), BANKSEL (chon băng trong bộ nhớ chương trình, chứa một thanh ghi bất kỳ), ORG định địa chỉ trong bộ nhớ chương trình.

Hiện nay các bạn chưa học đến làm thế nào để Input, nhưng có thể các bạn sẽ thực hiện dễ dàng bằng việc thay LED bằng một nút bấm. Hoặc giả, các bạn muốn đèn LED nhấp nháy, về nguyên tắc các bạn có thể thực hiện bật tắt liên tục đèn LED bằng lệnh BSF và BCF. Nhưng làm như thế nó nháy quá nhanh, không thể thấy được.

Bài học sau, chúng ta sẽ học cách viết hàm Delay, và các bạn có thể thực hiện việc làm cho đèn LED nhấp nháy, làm cho dãy đèn từ RB0 đến RB7 chạy qua chạy lại...

Chúc các bạn may mắn trong bài học đầu tiên, và chúc các bạn thành công với PIC!

falleaf
26-05-2005, 10:54 PM
Học vi điều khiển PIC trong 1 ngày

Qua bài học thứ nhất, chúng ta đã học về cách bật tắt một đèn LED. Bây giờ nếu muốn làm cho đèn LED nhấp nháy, có nghĩa là chúng ta bật đèn LED, sau đó chờ một khoảng thời gian, và tắt đèn led đó đi, sau đó lại chờ một khoảng thời gian nữa và lại bật đèn led lên. Muốn thực hiện việc này, chúng ta phải tìm cách làm một hàm delay (delay - tiếng Anh có nghĩa là trễ, chậm lại)

Hàm DELAY là một hàm rất thông dụng khi lập trình thời gian thực. Nguyên lý của hàm delay là dùng thời gian thực hiện các lệnh của vi điều khiển để làm thời gian trễ. Như các bạn đã biết (nếu chưa biết thì bây giờ biết.. hihi), mỗi lệnh của vi điều khiển, khi thực hiện, cần phải tốn một khoảng thời gian nào đó. Nếu một việc làm mà không tốn thời gian thì đúng là vô lý. Vậy thời gian thực hiện một lệnh của PIC là bao lâu?

Như trong bài học đầu tiên chúng ta đã đề cập, chúng ta sử dụng thạch anh từ 4MHz đến 10MHz và đến 20MHz. Thạch anh này tạo ra các dao động xung nhịp chính xác để duy trì những khoảng thời gian xác định cho vi điều khiển hoạt động.

Chúng ta xem hình sau để hiểu được nguyên lý tạo dao động bên trong vi điều khiển:

Hình 1:

http://i3.photobucket.com/albums/y64/falleafd/OSC_1.gif

Thạch anh tạo dao động trên các chân OSC, đưa vào bên trong PIC. PIC sẽ đếm 4 nhịp trên dao động thạch anh, và để thực hiện một lệnh. Như vậy, thời gian thực hiện một lệnh chính là 4 nhịp dao động của thạch anh.

Chúng ta thường gọi thời gian thực hiện một lệnh của PIC là một chu kỳ máy (đoạn số 2 trên hình). Vậy một chu kỳ máy bằng bao nhiêu, nếu chúng ta sử dụng thạch anh 10MHz cho PIC?


Tần số dao động của thạch anh:
F_osc = 10MHz
Chu kỳ của dao động thạch anh:
T_osc = 1/10.000.000 s
Chu kỳ máy
T_instruction = 4 * T_osc = 4/10.000.000 s = 0.0000004 s = 0.0004 ms = 0.4 us = 400 ns


Như vậy, một lệnh máy được thực hiện trong vòng 0.4 micro giây, hay 400 nano giây.

Tương tự, khi các bạn dùng thạch anh 4MHz, chu kỳ máy sẽ là 1us, và dùng thạch anh 20MHz, chu kỳ máy sẽ là 200 nano giây.

Quay trở lại với việc nếu chúng ta cần thực hiện một việc gì đó giống như nhấp nháy đèn LED, thì chúng ta cần PIC phải dừng lại, không làm gì cả để chờ chúng ta. Nếu như lệnh NOP (lệnh không làm gì) sẽ giúp chúng ta chờ 0.4 us, mà chúng ta cần chờ 1 giây, thì chúng ta viết bao nhiêu lệnh NOP cho đủ?

Thay vì như vậy, chúng ta viết một vòng lặp để cho vi điều khiển làm một việc vô thưởng vô phạt nào đó N lần, và mỗi lần như vậy nó tốn T chu kỳ máy. Như vậy, sau khi kết thúc việc làm vô thưởng vô phạt đó, vi điều khiển đã chờ chúng ta N * T chu kỳ máy.

Để viết một vòng lặp như vậy, trước tiên chúng ta học cách đặt biến.

Một biến được đặt trong PIC, thực chất là một tên gọi chung cho một hoặc nhiều thanh ghi các giá trị. Trong phần này, chúng ta chỉ đơn giản làm đặt biến có nghĩa là đặt tên cho một thanh ghi. Thực ra, chúng ta hoàn toàn không cần đặt tên, mà có thể gọi trực tiếp địa chỉ của thanh ghi, nhưng nếu làm như vậy, sau này, khi chương trình phức tạp dần lên, chúng ta sẽ dễ bị lẫn lộn các biến.

Khi đặt biến, thanh ghi này nằm ở đâu? Nó sẽ nằm trong bộ nhớ chương trình và cụ thể, nó sẽ nằm trong vùng nhớ dùng chung mà chúng ta đã đề cập trong bài học trước.

Vậy làm thế nào để đặt biến? Có rất nhiều cách đặt biến, và trong phần này, tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách đặt biến mà tôi cho rằng rõ ràng nhất.


;================================================= =================

ORG 0x020
COUNT_L RES 1
COUNT_H RES 1
COUNT_N RES 3

;================================================= =================


Các bạn vừa làm gì?

Directive ORG dùng để xác định địa chỉ vùng nhớ. Các bạn lưu ý rằng, khi xác định địa chỉ vùng nhớ ở đây, chính là các bạn xác định địa chỉ vùng nhớ dữ liệu, chứ không phải địa chỉ vùng nhớ lập trình. Những gì các bạn viết phía bên dưới, sẽ giúp cho trình dịch hiểu được rằng các bạn đang làm việc trong vùng nhớ lập trình, hay vùng nhớ dữ liệu

Directive RES quy định việc đặt biến. Số 1 phía sau xác định rằng biến có tên COUNT_L chiếm 1 thanh ghi 8 bit, tức là 1 byte.

Tiếp theo, các bạn lại đặt biến tên là COUNT_H. Như vậy, biến COUNT_H cũng chiếm 1 byte.

Câu hỏi đặt ra là các thanh ghi này nằm ở đâu?

Các bạn lưu ý, khi các bạn dùng directive ORG, là các bạn đã xác định nơi bắt đầu đặt biến. Như vậy, biến COUNT_L sẽ có độ dài 1 byte, và được đặt ở địa chỉ 0x020 tức là địa chỉ đầu tiên của vùng nhớ dữ liệu dùng chung trong băng 0 (20h)

Vì COUNT_L đã chiếm 1 byte. Do đó, biến COUNT_H sẽ chiếm byte tiếp theo, và địa chỉ đầu tiên của COUNT_H sẽ là 21h, nhưng COUNT_H cũng chỉ có 1 byte, cho nên nó chính là thanh ghi ở địa chỉ 21h. Đến biến COUNT_N, tương tự, địa chỉ đầu tiên của nó sẽ là 22h. Biến COUNT_N chiếm 3 thanh ghi, như vậy, biến COUNT_N sẽ nằm từ 22h, 23h đến 24h. Nếu tiếp tục đặt thêm các biến khác, các biến đó sẽ bắt đầu từ địa chỉ 25h, cứ như thế.

Vậy muốn đặt biến ở các băng khác thì làm thế nào? Các bạn cứ lấy địa chỉ đầu của vùng nhớ dữ liệu dùng chung của băng đó và viết như sau:


;=================================================
ORG 0x0A0h

COUNT_X RES 10
;=================================================


Tóm lại, để chuẩn hoá một chương trình, các bạn chép đoạn code này vào, và sau đó không bao giờ còn phải viết lại nữa:


;================================================= ======================

;-----------------------------------
; Bien nam o Bank0
;-----------------------------------
ORG 0x020

COUNT_L RES 1
COUNT_H RES 1

;----------------------------------
; Bien nam o Bank1
;----------------------------------

ORG 0x0A0

COUNT1_L RES 1

;---------------------------------
; Bien nam o Bank2
;---------------------------------
ORG 0x120

;================================================= =======================


Như vậy, một chương trình tổng quát bây giờ sẽ trở thành như thế nào?


;================================================= =======================
; Phần chú thích ban đầu
;
;================================================= =======================
; Phần khởi tạo vi điều khiển
TITLE
PROCESSOR
INCLUDE
__CONFIG

;================================================= =======================
; Phần đặt biến

;-------------------------------------
; Biến ở băng 0
;-------------------------------------
ORG 0x020
;------------------------------------
; Biến ở băng 1
;------------------------------------
ORG 0x0A0
;------------------------------------
; Biến ở băng 2
;------------------------------------
ORG 0x120

;================================================= ========================
; Phần chương trình chính
ORG 0x0000
GOTO MAIN


ORG 0x0005
MAIN
; những dòng lệnh được viết ở đây
END
;================================================= =========================


Như vậy, chúng ta đã biết cách viết một chương trình đầy đủ dành cho vi điều khiển PIC bằng ngôn ngữ MPASM.

falleaf
26-05-2005, 10:56 PM
Các bạn cần chú ý thêm, nếu phía trên chỗ biến ở băng 2, các bạn không đặt biến gì cả, thì các bạn cứ để nguyên như vậy, vì ngay bên dưới, các bạn đã đặt lại địa chỉ 0x0000, nó chẳng ảnh hưởng gì đến chương trình.

Cũng giống như, nếu bạn không viết gì ở đoạn ORG 0x0000 và GOTO MAIN, mà bạn để ngay dòng ORG 0x0005 thì chương trình vẫn chạy bình thường. Đơn giản là từ đoạn 0x0000 đến 0x0004, PIC sẽ không làm gì cả. Chúng tôi đang cố gắng từng bước hình thành cho bạn kết cấu chương trình viết bằng MPASM, mỗi ngày một hoàn thiện hơn, để các bạn nắm rõ lý do vì sao các chương trình được viết như vậy, và chúng ta cùng thống nhất với nhau ở điểm này khi viết chương trình. Nếu các bạn tin tưởng vào việc tạo ra một chuẩn viết chương trình MPASM cho Việt Nam, thì các bạn là người đang đặt nền móng cho nó. Tôi cũng có tham vọng này, cho nên các quy cách ký hiệu tôi cố gắng dùng một chuẩn thống nhất, và mong rằng các bạn cùng tôi làm việc này, để sau này tất cả mọi người khi làm việc cùng với nhau có thể hiểu và truyền tải ý tưởng một cách nhanh nhất.

Kể từ nay, các bạn đã biết cách đặt biến, biết cách viết phần khởi tạo, chúng ta sẽ chỉ còn bàn tới việc viết ở phần chương trình chính như thế nào nữa mà thôi.


;================================================= ===========================
ORG 0x0000
GOTO MAIN

ORG 0x0005
MAIN
BANKSEL TRISB
CLRF TRISB ; đặt portb là output

MOVLW D'255'
MOVWF COUNT_L ; COUNT_L là 1 byte

BANKSEL PORTB
LOOP BSF PORTB, 0
CALL DELAY
BCF PORTB, 0
CALL DELAY
GOTO LOOP

;================================================= ============================
; Các chương trình con
;================================================= ============================
DELAY DECFSZ COUNT_L, F
GOTO DELAY
RETURN

;================================================= ============================
GOTO $
END
;================================================= ============================


Các bạn vừa làm gì với đoạn chương trình trên?

Điểm thứ nhất các bạn nên chú ý, đó là việc tôi thêm phần các chương trình con vào trong phần chương trình chính. Phần cuối chương trình tôi vẫn luôn để là GOTO $ và kết thúc với lệnh END. Tạm thời các bạn cứ viết như vậy để khoá chương trình ở dòng GOTO $, khi chương trình nhảy đến đó, nó sẽ thực hiện vòng lặp vô cùng tại chỗ, còn lệnh END là lệnh bắt buộc.

Việc này giúp chúng ta phần tách rạch ròi phần chương trình con và chương trình chính để tránh nhầm lẫn. Bởi vì ở đây chúng ta mới bắt đầu các bài học cơ bản, cho nên tôi cho rằng các chương trình của các bạn viết là ngắn, nên chúng ta chưa đi xa hơn về việc phân bổ vị trí này. Các bạn chỉ đơn giản hiểu là chúng ta cần phải bỏ đoạn chương trình con ở đâu đó, và chúng ta nên tách thêm một phần nữa để dành riêng cho việc viết chương trình con. Việc làm này về sau sẽ rất có lợi, nhưng tạm thời chúng ta khoan bàn tới, và chúng ta cứ viết như vậy đã.

Phân tích về đoạn chương trình con này, chúng ta thấy chương trình con luôn bao gồm như sau:


[NHÃN]
các câu lệnh
RETURN


Lưu ý rằng ở trên, chúng ta gọi chương trình con CALL DELAY. Như vậy, việc gọi hàm được thực hiện bằng lệnh CALL [NHÃN].

Con trỏ chương trình sẽ nhảy về [NHÃN] được gọi. Nó thực hiện các lệnh nằm từ nhãn đó trở đi. Thực hiện cho đến khi gặp lệnh RETURN, nó sẽ quay trở về và thực hiện lệnh tiếp theo ngay bên dưới lệnh CALL. Ở đây, chúng ta gặp phải một vấn đề, đó là khái niệm Top of Stack. Tuy nhiên, chúng ta tạm gác nó lại cho bài học sau, còn bây giờ các bạn chỉ cần nắm được việc thực hiện lệnh CALL bao giờ cũng đi kèm với một nhãn. Con trỏ nhảy tới nhãn và thực hiện các lệnh bên trong đó, đến khi gặp lệnh RETURN thì nó nhảy trở về vị trí nằm sau lệnh CALL đó và thực hiện tiếp công việc đang làm.

Vì bỏ qua khái niệm Top of Stack, cho nên đề nghị các bạn không đặt ra câu hỏi nếu trong các lệnh thực hiện, nó lại có một lệnh CALL gọi đi chỗ khác thì làm thế nào? Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này ở phần sau.

Thế bên trong hàm DELAY chúng ta làm những gì?

Lưu ý rằng, ở trên chương trình chính, sau khi đã khởi tạo PORTB là ngõ output, các bạn thấy chúng ta đã ghi giá trị d'255' vào biến COUNT_L. Cách viết giá trị như sau:

b'11001010' để xác định số nhị phân
d'234' để xác định số thập phân
0xF3 để xác định số thập lục phân

Lưu ý:
Số nhị phân chỉ có các giá trị 0 và 1, và tối đa dài 8 bit. Số thập phân chỉ có thể có giá trị từ 0 đến 255, và số thập lục phân chỉ có giá trị từ 00 đến FF

Quay trở lại, biến COUNT_L đang mang giá trị 255.

Khi thực hiện hàm DELAY, các bạn thực hiện lệnh DECFSZ (DECrement File, Skip if Zero), có nghĩa là nó sẽ giảm giá trị của một thanh ghi nào đó một đơn vị. Nếu sau khi giảm xong, mà kết quả là 0, thì nó sẽ nhảy cách ra một ô nhớ trong bộ nhớ chương trình, và thực hiện lệnh tiếp theo đó. Nếu giá trị sau khi giảm một đơn vị chưa bằng 0, thì nó sẽ thực hiện lệnh liền kề với nó.

Như vậy, vòng lặp được thực hiện như sau:


COUNT_L = 255 (ở trên đã đặt)

DELAY COUNT_L = COUNT_L - 1
if COUNT_L <> 0
GOTO DELAY
if COUNT_L = 0
RETURN



Lệnh DECFSZ [File], F/W


Nếu phía sau dấu phẩy, chúng ta để W, thì kết quả sẽ lưu vào thanh ghi W, và [File] không thay đổi giá trị gì hết. Nhưng ở đây, chúng ta muốn thực hiện như đoạn mã giả ở trên, nên chúng ta phải để là F.

COUNT_L sẽ giảm dần từ 255 đến 1, trong quá trình đó nó cứ chạy lên DELAY, rồi giảm COUNT_L một đơn vị, xong lại nhảy về DELAY, lại thực hiện việc giảm 1 đơn vị của COUNT_L

Khi COUNT_L = 1 nó lại giảm 1 đơn vị, lúc này COUNT_L = 0. Và nó không thực hiện lệnh GOTO nữa, mà thay bằng lệnh NOP, sau đó nó thực hiện lệnh RETURN, có nghĩa là quay về lại lệnh CALL ở trên.

Như vậy, các bạn đã hiểu rõ hàm DELAY rồi. Nhưng quan trọng nhất là làm sao tính toán được thời gian hao tốn của đoạn vòng lặp này kể từ khi bắt đầu thực hiện lệnh CALL, vì thực ra chúng ta muốn là muốn biết chính xác thời gian thực hiện lệnh của nó.

Thời gian thực hiện của lệnh CALL DELAY là bao lâu?

Lệnh CALL khi thực hiện tốn 2 chu kỳ máy, như vậy chúng ta ghi chú là (2) ở đây.

Lệnh DECFSZ tốn 1 chu kỳ máy khi giá trị trả về khác 0. Như vậy, trong quá trình thực hiện giảm từ 255 xuống 1, nó thực hiện 255 - 1 = 254 lần. Mỗi lần thế này nó tốn 1 chu kỳ máy, chúng ta ký hiệu (254) ở đây.

Khi thực hiện lệnh GOTO, lệnh GOTO tốn 2 chu kỳ máy, vậy nó cũng thực hiện 254 lần, chúng ta ký hiệu (254 x 2 = 506) ở đây.

Khi COUNT_L = 1, nó vẫn thực hiện lệnh DECFSZ, vậy nó tốn thêm 1 chu kỳ máy nữa (1). Sau khi thực hiện lệnh này, kết quả trả về là 0, vậy nó sẽ thực hiện một lệnh NOP (1), và sau đó thực hiện lệnh RETURN, lệnh RETURN tốn 2 chu kỳ máy (2)

Kết quả:

(2) + (254) + (508) + (1) + (1) + (2) = 768 chu kỳ máy

Nếu chúng ta dùng thạch anh 10MHz, mỗi chu kỳ máy tốn 0.4 us, có nghĩa là lệnh CALL DELAY tốn:

768 * 0.4 us tức là khoảng 1/3000 giây.

Chúng ta khoan bàn đến việc xa hơn, vậy thì chúng ta đã biết cách tính thời gian hao tốn của hàm DELAY rồi. Nhưng nếu tính như thế này thì quá mất công, chúng ta có thể chuyển nó thành công thức cụ thể như sau:

CALL = 2

DELAY (COUNT_L) = [COUNT_L - 1] * (DECFSZ + GOTO) + 1 + 1

RETURN = 2

Các bạn nên nhớ công thức này để sau này phát triển lên tính các công thức khác.

Có lẽ hôm nay chúng ta tạm dừng bài học ở đây


Các bạn lưu ý, tôi có tính sai một đoạn phía trên, vì quáng gà hay sao đó, tính từ 255 xuống 1 giảm chỉ có 253 lần. Đúng là phải 254 lần. Như từ 2 giảm xuống 1 thì chỉ có 1 lần thôi. Xin thành thật cáo lỗi với các bạn.

falleaf
26-05-2005, 10:57 PM
Tổng kết: Các bạn đã học được gì ngày hôm nay?

- Các bạn đã hiểu được khái niệm chu kỳ máy, dao động thạch anh tạo ra, PIC sẽ thực hiện 1 lệnh trong vòng 4 dao động của thạch anh. Như vậy, chu kỳ máy của PIC sẽ là chu kỳ dao động của thạch anh nhân với 4, hay tần số PIC sẽ bằng tần số thạch anh chia 4.

- Các bạn đã học được cách đặt biến trong một chương trình viết bằng MPASM, các bạn đã có thể đặt biến ở bất kỳ băng nào các bạn muốn

- Sau đó, các bạn bổ sung phần đặt biến này vào trong sườn chương trình lần trước đã học, các bạn hoàn thiện hơn sườn một chương trình viết bằng MPASM

- Các bạn lại thêm vào sườn chương trình đó phần các chương trình con, vậy tôi thông báo với các bạn rằng các bạn chỉ còn thiếu 2 phần nữa là ngắt (Interrupt) và bảng (Table) nữa, là các bạn đã có thể có một sườn chương trình viết bằng MPASM hoàn chỉnh. Các bạn sẽ không phải đợi lâu để hoàn tất sườn chương trình này.

- Các bạn học được cách dùng hàm CALL và RETURN, nó luôn luôn đi kèm từng cặp với nhau.

- Các bạn học thêm các lệnh: BCF, CALL, RETURN, DECFSZ

Tài liệu tham khảo:

Các bạn tham khảo datasheet PIC16F84A, PIC16F628A và PIC16F88 để biết thêm chi tiết về cấu trúc bộ nhớ dữ liệu, vì có cái thì có băng 2, có cái không có, có cái lại có băng 3, băng 4.... Nhớ chú ý phần tập lệnh để đọc hiểu thêm về các lệnh vừa học (Instruction Set)

Các bạn có thể dùng keyword: DELAY để tìm trong trang www.piclist.com những đoạn chương trình con viết về hàm DELAY, làm thế nào để viết hàm DELAY dài hơn?...

Lưu ý cuối cùng, đó là các bạn đang chuẩn bị trở thành một người viết PIC chuyên nghiệp, do đó, các bạn cần phải nhớ các chân nào của PIC để thiết kế mạch và điều khiển, các bạn nên in hình sơ đồ chân của PIC ra để dán lên trước bàn làm việc. Các bạn có thể download bản in tại đây (có trong datasheet, nhưng tôi muốn gửi trực tiếp cho các bạn để các bạn đỡ mất công).

Bài tập làm thêm:

1) Các bạn thấy rằng, nếu thời gian DELAY quá ngắn, trên thực tế các bạn sẽ khó thấy đèn LED nhấp nháy. Vì vậy, thay vì viết một hàm CALL DELAY, các bạn viết một dọc 20 dòng CALL DELAY liên tiếp nhau, các bạn sẽ thấy sự khác biệt

2) Nhưng nếu viết 20 dòng CALL DELAY thì cũng như viết 20 dòng lệnh NOP, vậy có nghĩa là các bạn vẫn có thể thực hiện một vòng lặp, trong đó lặp lại 20 lần, và trong vòng lặp các bạn thực hiện hàm DELAY. Như vậy, các bạn phải viết một hàm DELAY_NGOAI để bên trong thực hiện hàm DELAY_TRONG. Chính vì vậy, tôi gợi ý cho các bạn tìm trong trang web www.piclist.com để tìm các source code hàm DELAY, và các bạn sẽ biết phải làm sao để viết hàm DELAY chờ lâu hơn. Quan trọng nhất là các bạn phải chỉ ra được công thức tính toán thời gian của hàm DELAY mà các bạn viết. (bài tập tính điểm)

3) Bây giờ các bạn có thể điều khiển một đèn LED, vậy nếu muốn 8 đèn LED nháy theo thứ tự nào đó chẳng hạn, các bạn sẽ làm thế nào? (bài tập tính điểm)

Ghi chú: (bài tập tính điểm) là những bài tập mà chúng tôi sẽ cộng đồn vào để tặng PIC cho các bạn nào tham gia giải bài như thông báo về việc bán PIC.

falleaf
28-05-2005, 02:09 AM
Bài 3: Ngắt (interrupt)

Giới thiệu:

Khái niệm ngắt là một khái niệm rất phổ biến trong tất cả các hệ thống vi điều khiển, vi xử lý và máy tính. Vậy ngắt là gì?

Các bạn hình dung hình ảnh chúng ta đang đi xe máy trên bờ ruộng, con đường đi rất dài và rất thẳng, bỗng nhiên có một con bò chạy ngang, húc chúng ta xuống ruộng. Cả xe và người lao xuống ruộng. Chúng ta lồm cồm bò dậy, phủi quần áo, chửi đổng lên một cái vì chẳng biết chửi ai, thế là chúng ta đem ông trời ra chửi. Sau đó, chúng ta dắt xe máy lên bờ ruộng, tại cái chỗ mà chúng ta bị húc té xuống, rồi chúng ta lấy xe chạy tiếp. Nếu lỡ có một con bò nào khác, lại húc chúng ta.. thì....

Hoạt động ngắt cũng giống như vậy, khi chúng ta đang chạy một chương trình chính nào đó, bỗng nhiên có một sự kiện xảy ra, chúng ta phải dừng việc chúng ta đang làm lại, và giải quyết cái sự việc xảy ra đó. Cuối cùng, chúng ta lại quay trở về cái chỗ mà chúng ta đã tạm dừng lại lúc nãy và tiếp tục công việc đang làm.

Khái niệm ngắt chỉ đơn giản như vậy, tuy nhiên, đối với vi điều khiển nói chung, và PIC nói riêng, ngắt có thể do rất nhiều nguồn xảy ra, và với mỗi nguồn ngắt khác nhau, chúng ta có thể định trước rằng trong ngắt đó chúng ta sẽ làm việc gì. Cũng như khi đi trên bờ ruộng, chúng ta có thể bị bò húc, cũng có thể bị trâu húc, cũng có thể bị vấp cục đã, cũng có thể bị lọt ổ gà... Và nếu như bị bò húc thì chúng ta chửi ông trời, bị trâu húc chúng ta mắng ông trăng, bị vấp cục đá chúng ta tự trách mình xui xẻo, và đến khi vấp ổ gà... thì chúng ta vô nhà thương...

Các nguồn ngắt trong PIC:

Số lượng và loại nguồn ngắt trong PIC rất đa dạng, và rất khác nhau ở mỗi dòng PIC. Do vậy không thể liệt kê hết ra đây tất cả các dòng PIC và tất cả các loại ngắt trong từng dòng được. Chúng ta chỉ đưa ra đây sơ đồ tổng quát của các nguồn ngắt, và đi sâu vào một số loại ngắt phổ biến.

http://i3.photobucket.com/albums/y64/falleafd/cacnguonngat.gif

Hình 1: mô tả tất cả các nguồn ngắt của dòng PIC Midrange

Chúng ta chú ý đến một số điểm sau:

1) Trong hình có các ký hiệu cổng logic AND và OR

http://i3.photobucket.com/albums/y64/falleafd/and.gif

Đây là cổng AND, có nghĩa là chỉ khi đầu vào của hai cổng này đều có giá trị là 1, thì đầu ra mới có giá trị là 1. Chúng ta quan sát một góc hình bên trái phía dưới TXIF và TXIE, chúng đi qua cổng AND, chỉ khi nào bit TXIE bật lên, và bit TXIF cũng được bật lên, thì lúc đó ngõ ra nối vào cổng OR phía trên mới có giá trị.

http://i3.photobucket.com/albums/y64/falleafd/or.gif

Đây là cổng OR, có nghĩa là chỉ cần một trong các tín hiệu ngõ vào có giá trị là 1, thì ngõ ra sẽ có giá trị là 1. Như vậy, nếu cả TXIE và TXIF đều có giá trị 1, thì ngõ ra sau cổng AND của chúng sẽ có giá trị 1 và ngõ ra sau cổng OR cũng có giá trị 1, bởi vì ít nhất cổng OR ở đây cũng có 1 ngõ vào có giá trị 1.

Chúng ta cứ tiếp tục như vậy mà suy ra.

2) Điểm thứ hai, là các chữ đuôi IE và IF:

IE ở đây là viết tắt của chữ Interrupt Enable, và IF ở đây viết tắt của Interrupt Flag.

IE có nghĩa là chúng ta cho phép kích hoạt một loại ngắt nào đó xảy ra hay không. Đây là tín hiệu mà chúng ta có thể quy định ngay từ ban đầu. Mặc định, tất cả chúng đều có giá trị 0, chỉ khi nào chúng ta cho phép một ngắt nào đó xảy ra, thì về sau nó mới xảy ra ngắt đó thôi.

Cũng giống như, ban đầu trên bờ ruộng có dãy rào chắn, thì con bò không thể nào húc bạn té được, nếu bạn bỏ hàng rào ra, thì nếu có con bò húc bạn, bạn sẽ té. Nguyên lý này đơn giản như vậy thôi.

IF ở đây là các cờ ngắt. Tức là khi bạn bị bò húc, thì có một người cầm cờ giơ lên báo là bạn đã bị bò húc, để những người dưới ruộng reo hò...hihi... Và tất nhiên, khi bạn không phá rào cản thì người trên ruộng vẫn có. Và khi con bò lao vào bạn, thì người ta cũng phất cờ lên như thường, nhưng bị cái rào cản nên bạn cứ thoải mái mà đi con đường của bạn, chẳng phải quan tâm đến việc té xuống, chửi bới hay trèo lên làm gì.

Cái rào cản chính là IE và cái sự việc cuối cùng mà bạn vẫn đi hay lồm cồm bò dậy đó chính là cái cổng AND mà chúng ta vừa nói trên kia.

falleaf
30-05-2005, 10:25 PM
3) Điểm thứ ba, các lớp ngắt:

Bạn thấy rằng, trong hình, rõ ràng có 2 lớp ngắt. Lớp thứ nhất nằm bên tay trái ngoài cùng, lớp thứ hai nằm ở giữa hình. Lớp thứ ba chỉ có một cổng AND nên chúng ta không kể tới làm gì.

Lớp thứ nhất được gọi là lớp ngắt ngoại vi.

Thực chất lớp này vì có quá nhiều nguồn ngắt, và các nguồn ngắt này đều là một số chuẩn giao tiếp, hoặc chức năng đặc biệt của PIC, cho nên người ta phân ra làm lớp ngắt ngoại vi. Để các ngắt ngoại vi hoạt động, trước tiên chúng ta phải cho phép ngắt ngoại vi, tức là bật bit PIE lên. Còn cụ thể muốn cho ngắt ngoại vi nào hoạt động, thì chúng ta bật ngắt đó lên. Trên sơ đồ các bạn cũng thấy rõ thông qua các cổng AND và OR.

Lớp thứ hai tạm gọi là lớp ngắt phổ thông.

Khi muốn dùng các nguồn ngắt phổ thông, chúng ta chỉ việc bật các bit IE của nguồn ngắt này. Tất nhiên, cuối cùng, chúng ta phải bật ngắt toàn cục GIE thì ngắt mới được phép xảy ra (kể cả ngắt ngoại vi và ngắt phổ thông. Khi đó, PIE được coi là một nguồn ngắt phổ thông.

Điều này cũng giống như khi bạn chạy xe trên bờ ruộng, một hàng rào dài chạy dọc theo con đường, chính là ngắt toàn cục GIE. Lớp bên ngoài thứ hai là lớp ngắt phổ thông, bao gồm luôn cả ngắt ngoại vi PIE. Và ngoài cùng là các hàng rào thuộc lớp ngắt ngoại vi.

Nếu các bạn bật các nguồn ngắt, mà không bật ngắt toàn cục GIE thì cho dù ngắt có xảy ra, thì chương trình vẫn không dừng để thực hiện ngắt, giống như con bò có thể lao qua hàng rào ngoài cùng đã được mở, nhưng vẫn còn hàng rào trong cùng.

Như vậy, các bạn đã hiểu một cách tổng quan về hoạt động ngắt của PIC, những nguyên tắc phải bật hay tắt ngắt.

Điểm lưu ý cuối cùng, đó là tôi muốn giới thiệu với các bạn rằng, chữ ký hiệu trong bảng, là tên các bit liên quan đến việc bật tắt ngắt. VD: bit PIE, INTE.. nằm trong thanh ghi INTCON (ngắt phổ thông), các bit quy định ngắt ngoại vi nằm trong các thanh ghi PIR và PIE.

Vectơ ngắt của PIC:

Như lần trước đã giới thiệu, vectơ ngắt của PIC nằm ở vị trí 0x0004 các bạn xem lại hình sau:

Khác với khi bạn bị té ruộng, bạn té xuống ngay tại chỗ bạn bị húc, đối với vi điều khiển, khi xảy ra interrupt, nó sẽ nhảy về một địa chỉ cố định, và thực hiện công việc tại đó. Sau khi thực hiện xong, nó sẽ quay trở về vị trí mà từ đó nó đã thoát ra. Vị trí cố định mà nó sẽ nhảy về khi xảy ra ngắt là vị trí 0x0004.

Chương trình ngắt:

Lại quay về thí dụ té ruộng, có lẽ tôi thích cái thí dụ này vì nó có thể giúp bạn hình dung mọi thứ. Bây giờ các bạn hãy chia giai đoạn từ khi bị bò húc, té xuống ruộng, rồi bạn chửi đổng lên, rồi bạn lồm cồm bò lên. Vậy cho dù bạn bị bò húc, hay bị vấp ổ gà, thì chỉ có giai đoạn bạn chửi đổng lên là khác nhau, còn lại, giai đoạn bạn té xuống ruộng là té xuống ruộng, và sau đó thì bạn cũng bò lên.

Vậy ngắt cũng giống thế, khi nhảy vào ngắt, bạn sẽ có một giai đoạn cần phải nhảy vào ngắt, và một giai đoạn nhảy ra khỏi ngắt, còn bên trong ngắt đó các bạn làm cái gì là nội dung cần thực hiện của từng nguồn ngắt.

Tôi cung cấp ra đây đoạn chương trình ngắt chuẩn, từ nay về sau, các bạn chỉ cần copy đoạn chương trình này và sử dụng:

;================================================= ==================
ORG 0x0000
GOTO MAIN
ORG 0x0004
GOTO INTERRUPT
ORG 0x0005
MAIN
; đây là phần chương trình chính của các bạn

;================================================= ==================

INTERRUPT

RETFIE
;================================================= ==================
; Các chương trình con được viết ở đây

;================================================= ==================
GOTO $
END
;================================================= ==================

Như vậy, một lần nữa, chúng ta bổ sung sườn chương trình của chúng ta một cách chi tiết hơn. Chúng ta vừa thêm vào một đoạn chương trình con INTERRUPT. Thực ra, gọi INTERRUPT là một chương trình con cũng không sai, nhưng vì nó khá đặc biệt, nên chúng ta cứ tách rời nó ra.

Khởi tạo và kết thúc ngắt:

Tôi cung cấp dưới đây đoạn chương trình khởi tạo và kết thúc ngắt đầy đủ cho PIC, từ nay về sau, khi muốn sử dụng ngắt, các bạn chỉ cần copy và paste đoạn code này lại, hoàn toàn không cần sửa chữa gì và cứ thế sử dụng.

Tôi sẽ dành cho các bạn đặt câu hỏi về phần này để từ các câu hỏi, có thể giải thích rõ hơn vì sao chúng ta lại viết như vậy, từng điểm một. Nếu không, tôi không thể có thời gian để viết tất cả mọi vấn đề về ngắt ra đây được.

;================================================= ===========================================
INTERRUPT

;-------------------------------------------
;Doan ma bat buoc de vao ngat
;-------------------------------------------

MOVWF W_SAVE ;W_SAVE(bank unknown!) = W
SWAPF STATUS, W
CLRF STATUS ; force bank 0 for remainder of handler
MOVWF STAT_SV ; STAT_SV = swap_nibbles( STATUS )
; STATUS = 0
MOVF PCLATH, W
MOVWF PCH_SV ; PCH_SV = PCLATH
CLRF PCLATH ; PCLATH = 0
MOVF FSR, W
MOVWF FSR_SV ; FSR_SV = FSR
; 10 cycles from interrupt to here!

;-----------------------------------
;Doan chuong trinh ngat
;-----------------------------------

; cac ban se viet chuong trinh ngat o day

;--------------------------------------------------
;Doan ma bat buoc de ket thuc ngat
;--------------------------------------------------

MOVF FSR_SV, W
MOVWF FSR ; FSR = FSR_SV
MOVF PCH_SV, W
MOVWF PCLATH ; PCLATH = PCH_SV
SWAPF STAT_SV, W
MOVWF STATUS ; STATUS = swap_nibbles( STAT_SV )
SWAPF W_SAVE, F
SWAPF W_SAVE, W ; W = swap(swap( W_SAVE )) (no change Z bit)

BSF INTCON, GIE
RETFIE
;================================================= ================================================== =


Như vậy, chương trình ngắt được chia làm 3 phần chính.
Phần thứ nhất là phần bắt đầu vào ngắt, đây là đoạn chương trình bắt buộc, tất nhiên không hoàn toàn nghiêm ngặt như vậy, vì thực tế nhiều khi bạn không dùng đến tất cả các lệnh này, nhưng vì mục đích cung cấp các khái niệm cơ sở, và công cụ làm việc đầy đủ, tôi cung cấp cho bạn chương trình ngắt chi tiết. Phần thứ hai là phần chương trình ngắt của bạn. Khi xảy ra ngắt, bạn muốn làm cái gì, thì bạn bắt đầu viết từ phần này trở đi. Phần thứ ba là phần kết thúc ngắt, bạn cứ viết nguyên bản như vậy không cần sửa đổi.

Tạm thời, sẽ không có các phân tích chi tiết giống như các bài học trước, các bạn có thể tự tìm hiểu thêm, nếu không, có thể đặt câu hỏi, và chúng ta sẽ từ từ tìm hiểu rõ hơn về ngắt của PIC.

Thời gian tới đây, có lẽ tôi hơi bận, cho nên tôi không thể viết bài liên tục được, mong rằng các bạn cố gắng tìm hiểu và học tốt PIC. Đến giai đoạn này, các bạn đã có thể dùng con PIC, giống như một con 89C51 thông thường. Và các bạn thấy đấy, thực sự PIC chỉ cần 1 ngày để học.

Chúng ta vừa học xong 3 bài học cơ bản nhất của một con vi điều khiển: Điều khiển port, viết hàm delay và viết chương trình ngắt.

Phần thứ tư của bài viết chương trình ngắt, sẽ đi chi tiết vào các ngắt và giải thích rõ nghĩa từng ngắt. Nhưng thiết nghĩ, tôi nên kết hợp bài học này ở đây, và kết hợp phần thứ tư vào bài học sau: Nút bấm và các ngõ vào của PIC.

Tài liệu tham khảo:

http://www.microchip.com/stellent/idcplg?IdcService=SS_GET_PAGE&nodeId=1824&appnote=en011006

falleaf
07-06-2005, 10:43 PM
Các bạn vừa biết khái niệm ngắt, và đã biết chương trình ngắt được viết như thế nào. Vậy bây giờ chúng ta chuyển đến bài tiếp theo về nút bấm.

Công dụng của nút bấm

Nút bấm là một hình thức ra lệnh phổ biến nhất trên thế giới. Bạn gọi một cái thang máy, bạn bấm nút, bạn kêu cửa thì bấm chuông, bạn bật đèn thì bấm nút công tắc, và tôi đang ngồi viết cho bạn bằng cách bấm nút bàn phím...

Như vậy, bạn đã biết công dụng của cái nút bấm. Bây giờ các bạn sẽ học cách làm một cái nút bấm!!! Điều này có vẻ buồn cười, nhưng với vi điều khiển, và máy tính, khả năng xử lý các lệnh rất đa đạng. Bạn có thể bấm cùng một nút, nhưng lệnh sẽ khác nhau ở mỗi thời điểm, và mỗi trạng thái. Ví dụ, như bạn nhấp chuột máy tính, thực ra cũng là bạn nhấp nút bấm, nhưng bạn thấy rõ ràng rằng, ở những vị trí di chuyển chuột khác nhau, nút bấm của chuột sẽ đưa ra các mệnh lệnh khác nhau cho máy tính thực hiện.

Một số trạng thái nút bấm thông dụng

Trạng thái nút bấm ra lệnh tức thời, đó là khi bạn bấm nút, lập tức mọi trạng thái phải được kiểm tra và chương trình dừng lại để thực hiện lệnh từ nút bấm của bạn. Có nghĩa là bạn ra lệnh tại thời điểm bấm nút, và máy hiểu rằng bạn đã bấm nút. Còn việc xử lý thế nào thì hồi sau phân giải.

Trạng thái chờ nút bấm, đó là chương trình bạn đang chạy, đến một giai đoạn nào đó, nó cần phải có sự ra lệnh của bạn bằng nút bấm, và chương trình chờ bạn bấm nút để chạy tiếp, hoặc bắt đầu một công việc nào đó sau khi chờ.

Nhắc lại thao tác bấm nút một chút, cái nút của bạn đang ở trên cao, bạn bấm nó xuống thì nó sẽ có một giai đoạn nút bấm đi xuống, khi chạm vào mạch điện, hiển nhiên bạn muốn hay không muốn thì cũng phải có một khoảng thời gian bạn giữ cho nút bấm tiếp xúc với mạch điện, sau đó là giai đoạn bạn thả nút bấm ra.

http://i3.photobucket.com/albums/y64/falleafd/nutbam1.gif

Theo dõi hình trên, chúng ta thấy. Khi bấm nút, có quá trình đi xuống của nút bấm, và quá trình đi lên của nút bấm. Nhưng thực tế, đối với mạch điện trong nút bấm, nó chỉ có thể nhận được trạng thái tiếp xúc hoặc không tiếp xúc, nên tín hiệu nhận được sẽ như đường màu xanh trong hình dưới. Chúng ta chỉ quan tâm đến trạng thái của đường màu xanh trong các ứng dụng của nút bấm.

Vậy, trạng thái nút bấm lại có thêm 3 trạng thái nữa là trạng thái bấm xuống, trạng thái giữ nút bấm, và trạng thái nhả nút bấm lên. Kết hợp với 2 trạng thái điều khiển trên, chúng ta có 6 trạng thái phổ biến của nút bấm. Các bạn lưu ý rằng, chúng ta có 6 trạng thái chứ không phải chỉ có 4 trạng thái, vì thực ra rất nhiều người cho rằng chỉ có 4 trạng thái khi cho rằng trạng thái chờ trong lúc giữ nút bấm không phải là trạng thái phổ biến. Nhưng nếu các bạn đã từng dùng điện thoại di động thì các bạn thấy số người dùng trạng thái chờ của nút bấm cũng không phải là con số nhỏ.

Ở đây, tôi muốn tán dóc một chút rằng, khi các bạn làm việc về khoa học kỹ thuật, và đến một khi các bạn khó có thể tìm ra đường hướng suy nghĩ để giải quyết một vấn đề khoa học kỹ thuật, hãy tìm mối liên hệ với nó trong khoa học xã hội. Chính vì vậy, các bạn thường thấy tôi hay đưa ra những ví dụ xã hội để minh hoạ cho vấn đề kỹ thuật cần được giải quyết.

Tôi sẽ dành việc ứng dụng từng trạng thái nút bấm phổ biến trong các ứng dụng cho các bạn, còn ở đây, tôi chỉ muốn nhân bài học này để tiếp tục bài học về interrupt mà chúng ta đã bỏ dở trước đó.

Vậy chúng ta chỉ xét trạng thái khi bấm nút, lập tức lệnh sẽ được thực hiện, tức trạng thái tức thời của nút bấm.

Các bạn hãy làm bài tập thực hành, thực hiện một mạch điện tử như hình sau để chuẩn bị cho bài học của chúng ta.

http://i3.photobucket.com/albums/y64/falleafd/NUT_1.gif

Trong mạch điện này, chúng ta thấy có một vài điểm đặc biệt khi có 1 nút bấm nối giữa chân của PIC và nguồn, còn các nút bấm khác lại nối chân của PIC với đất.

Giữa nguồn và đất luôn có một điện trở 10K. Vì sao chúng ta phải nối mạch điện như vậy? Chúng ta tạm dừng bài học về nút bấm ở đây và theo dõi bài học cơ bản về điện tử tiếp theo.

falleaf
07-06-2005, 10:48 PM
Điện tử cơ bản

Giới thiệu

Đây là phần rất cơ bản về điện tử, mà các bạn khi bắt đầu làm việc với vi điều khiển cần phải nắm rõ. Như đã nói, PIC tạo ra dòng điện khoảng 20mA và điện áp khoảng 5V, tương tự như vậy, nếu dòng ngõ vào quá cao so với 20mA và điện áp ngõ vào quá cao so với 5V, thì PIC sẽ bị hư.

Vì vậy, bài học này trang bị cho các bạn một số khái niệm cơ bản về điện tử, để các bạn có thể nắm vững nguyên lý thiết kế mạch và tính toán các giá trị điện trở cần thiết. Đáng lẽ bài học này cần được thực hiện ngay từ đầu, tuy nhiên, tôi cho rằng bài tập đèn LED quá đơn giản, các bạn chưa biết gì cũng có thể hiểu được, nhưng nay, nếu như các bạn mới học về điện tử và vi điều khiển không được trang bị kiến thức cơ bản này, có thể làm cho các bạn lúng túng vì một số điểm không được làm rõ trong mạch điện tử.

Hiện tượng trôi điện áp

Các bạn xem hình sau:

http://i3.photobucket.com/albums/y64/falleafd/BASIC_1.gif

Chúng ta cho rằng ngõ vào của PIC, cũng giống như ngõ vào của một linh kiện điện tử thông dụng là 74HC04. Thay vì vẽ một cái chân PIC, thì chúng tôi vẽ hình một con 74HC04 cho nó đơn giản, và để các bạn dễ hình dung. Nếu để một con PIC lên một hình thì quá phức tạp hình ảnh, và lại không cần thiết. Hơn nữa, bài viết này được tham khảo từ tài liệu Very Basic Circuits của Encoder, và trong trang web này, người ta sử dụng 74HC04 để làm thí dụ, tôi tôn trọng ví dụ này nên khi viết lại bài viết cũng sử dụng 74HC04 giống như họ.

Các bạn thấy, nếu như nút bấm được nhấn xuống, thì ngõ vào của 74HC04 hay PIC được nối với Mass. Như vậy, lúc đó PIC có thể đọc giá trị 0. Tuy nhiên, nếu nút nhấn được thả ra, chúng ta thấy rằng ngõ vào của PIC chẳng được nối với một linh kiện nào, vậy là điện áp ở chân của PIC sẽ trôi nổi không xác định được. Nếu không may mắn, điện áp trôi nổi này rơi vào vùng logic 0, rồi lại nhảy sang vùng logic 1... thì các bạn thấy rõ ràng chúng ta không thể xác định được nút bấm có được bấm hay không?!!

Vì vậy, để đảm bảo, nếu khi không bấm nút, PIC phải có điện áp tham khảo là 5V, sau khi bấm nút thì điện áp sẽ giảm xuống 0V, như vậy mức logic mới thật rõ ràng, không thể để trôi nổi như hình trên. Vậy chúng ta có hình dưới đây

http://i3.photobucket.com/albums/y64/falleafd/BASIC_2.gif

falleaf
07-06-2005, 10:49 PM
Công dụng của điện trở kéo lên

Các bạn lại thấy, nếu bây giờ không bấm nút, thì điện áp ngõ vào của PIC sẽ là 5V. Nhưng nếu bấm nút một cái, rõ ràng chúng ta gây ra ngắn mạch khi nối trực tiếp từ nguồn xuống đất.

Chính vì vậy, chúng ta phải đưa thêm vào một điện trở giữa đất, nút bấm và nguồn.

Có hai vấn đề đặt ra, đó là điện trở sẽ đặt ở đâu, và giá trị của nó bằng bao nhiêu.

Chúng ta xem hình này:

http://i3.photobucket.com/albums/y64/falleafd/BASIC_5.gif

Các bạn sẽ bực mình ngay rằng, đúng là thằng ngốc mới đặt điện trở như thế này, bởi vì nếu đặt điện trở như vậy, dù bạn có bấm nút hay không bấm nút thì điện áp ngõ vào vẫn luôn luôn là 5V, vậy nút bấm trở nên vô nghĩa.

Thế thì chỉ còn một cách đặt điện trở như hình tiếp theo đây:

http://i3.photobucket.com/albums/y64/falleafd/BASIC_3.gif

Vậy vấn đề còn lại là giá trị điện trở bẳng bao nhiêu?

Các bạn sẽ thấy, PIC hoạt động ở 20mA và 5V trên các chân. Vì vậy, khi chưa bấm nút, nguồn 5V được nối với điện trở và đi vào chân của PIC. Nếu như trong một trường hợp nào đó chân của PIC chuyển từ chế độ input sang output, thì vấn đề xảy ra là dòng trên chân phải đảm bảo nhỏ hơn hoặc bằng 20mA. Như vậy, trong thiết kế trên, chúng ta xem dòng tại chân PIC nếu PIC đặt ở 0V là

I = U/R = 5V/ 10000 Ohm = 5mA

Như vậy, thiết kế này đảm bảo cho hoạt động của PIC được an toàn.

Khi đóng nút bấm dòng 5mA này sẽ đi xuống đất, và chân của PIC được nối với đất.

Các bạn xem tiếp hình sau:

http://i3.photobucket.com/albums/y64/falleafd/BASIC_4.gif

Trường hợp này, nút bấm được nối với nguồn 5V. Điện trở nối giữa chân của PIC với đất sẽ không làm cho PIC có hiện tượng trôi nổi điện áp, và khi đóng nút bấm thì dòng vẫn ở 5mA.

Tổng kết:

Qua bài học này, các bạn đã hiểu được cơ bản về khái niệm điện trở kéo lên (trường hợp điện trở nối với nguồn), và điện trở kéo xuống (trường hợp điện trở nối với đất). Giá trị điện trở được đặt ở đây nhằm loại bỏ hiện tượng ngắn mạch, và đảm bảo ngõ vào của PIC khoảng 20mA. Khi an toàn, cần thiết kế sao cho ngõ vào nhỏ.

zero2one
20-06-2005, 02:27 AM
;================================================= ===========================================
INTERRUPT

;-------------------------------------------
;Doan ma bat buoc de vao ngat
;-------------------------------------------

MOVWF W_SAVE ;W_SAVE(bank unknown!) = W
SWAPF STATUS, W
CLRF STATUS ; force bank 0 for remainder of handler
MOVWF STAT_SV ; STAT_SV = swap_nibbles( STATUS )
; STATUS = 0
MOVF PCLATH, W
MOVWF PCH_SV ; PCH_SV = PCLATH
CLRF PCLATH ; PCLATH = 0
MOVF FSR, W
MOVWF FSR_SV ; FSR_SV = FSR
; 10 cycles from interrupt to here!

;-----------------------------------
;Doan chuong trinh ngat
;-----------------------------------

; cac ban se viet chuong trinh ngat o day

;--------------------------------------------------
;Doan ma bat buoc de ket thuc ngat
;--------------------------------------------------

MOVF FSR_SV, W
MOVWF FSR ; FSR = FSR_SV
MOVF PCH_SV, W
MOVWF PCLATH ; PCLATH = PCH_SV
SWAPF STAT_SV, W
MOVWF STATUS ; STATUS = swap_nibbles( STAT_SV )
SWAPF W_SAVE, F
SWAPF W_SAVE, W ; W = swap(swap( W_SAVE )) (no change Z bit)

BSF INTCON, GIE
RETFIE
;================================================= ================================================== =


theo em biết thì khi vào chương trình ngắt ta phải lưu lại giá trị của hai thanh ghi : STATUS và W để sau khi thực hiện trình phục vụ ngắt sẽ khôi phục lại. Còn PC thì được tự động lưu vào STACK. Vậy, các tác động vào PCLATH... trên đoạn CODE của bác là nhằm mục đích gì vậy ?

còn nữa : CLRF STATUS
thì chưa chắc STATUS = 0 ! vì trong STATUS có một số bit không chịu tác động - giá trị của chúng không đổi ?

em mới học, mong bác chỉ rõ hơn.

tuanva
20-06-2005, 10:55 AM
Mình muốn biết thêm về W reg (Work register)? Chưa thấy Falleaf nói rõ về thanh ghi này.

falleaf
20-06-2005, 09:26 PM
Z,

1) Ngắt có nhiều tác vụ, có thể bị tràn stack, hoặc dùng nhiều ngắt cùng lúc, làm động tác này, khóa cứng tất cả luôn.

2) Đã có lệnh SWAPF trước đó để lưu lại giá trị thanh STATUS rồi, chú ý.

T,

Dạo này mình hơi bạn, chưa thể viết bài được, hẹn đầu tháng 7 viết tiếp.

Chúc vui.

tuanva
21-06-2005, 09:48 AM
Mình hỏi thêm về không gian địa chỉ của PIC. Giới hạn mở rộng bộ nhớ của PIC (mấy loại thường dùng ấy, 16F... và 18F...) là bao nhiêu? Nếu như mình cần mở rộng đến 10MB bộ nhớ có được không nhỉ?

To Falleaf:
Xin lôĩ vì đã quấy rầy khi cậu đang bận. Mình sẽ đợi đến lúc cậu rảnh. Chúc cậu thành công.

falleaf
23-06-2005, 09:44 PM
Chưa thể trả lời chi tiết lúc này, nhưng việc lắp thêm được bao nhiêu dung lượng nhớ, phụ thuộc vào chuẩn giao tiếp với ROM, RAM ngoài.

Để đơn giản, tôi lấy thí dụ một con ROM có 2 bit địa chỉ để enable nó. Như vậy, trên mạch, nếu bạn dùng 1 đường nối, bạn chỉ có thể nối tối đa 4 con ROM ngoài. Như vậy, điều này giới hạn số lượng ROM, RAM được nối vào PIC.

Điều thứ hai, khi truy cập bằng các chuẩn giao tiếp như I2C, SPI, tùy thuộc vào bạn sử dụng giao tiếp với bao nhiêu bit địa chỉ, thì bạn sẽ có số lượng giới hạn bấy nhiêu thiết bị có thể kết nối với PIC. Hiện nay, một số PIC hỗ trợ 2 cổng I2C, và thêm mấy cổng SPI.. nếu bạn có đủ can đảm dùng hết số cổng này cho việc kết nối vào ROM, thì đúng là tôi cũng chịu thua luôn.

Con số 10MB tôi chưa bao giờ tính toán thử khả năng tối đa của nó, nhưng theo ước tính sơ bộ thì là không thể.

Nhưng nếu bạn làm cách này, bạn thiết lập chuẩn giao tiếp, và kết nối với các con Flash, thì bạn thích kết nối đến bao nhiêu cũng được. Bởi vì theo tôi biết, con Flash lớn nhất hiện nay có dung lượng 1GB.

Bạn có bao giờ mở cái USB key của bạn ra chưa? Thực ra trong đó là một con Flash. Đáng tiếc, tôi chưa bao giờ thử kết nối với nó, nên không biết trả lời bạn cách nào.

Các con ROM thông dụng 512Kbit. Bạn có thể tìm trên www.microchip.com

Chúc vui.

zero2one
02-07-2005, 02:09 AM
có điều này chưa hiểu, mong các bác chỉ giáo :
trong MPLAB, để khai báo biến có rất nhiều cách theo các derectives của nó : RES, EQU... với EQU có thể khai báo hằng, biến thanh ghi nhưng với một cấu trúc như vậy thì khi nào biết được nó là thanh ghi, khi nào nó là một hằng ?

falleaf
02-07-2005, 02:44 AM
Nếu hiểu nôm na theo cách này, bạn có thể sẽ dễ hiểu nó hơn, một hằng là một giá trị. Giá trị đó có thể nằm trong thanh ghi dữ liệu (bộ nhớ dữ liệu), nhưng cũng có thể nằm trong lệnh điều khiển (bộ nhớ chương trình). Điều này khẳng định rằng, hằng là một giá trị.

Một khi bạn đặt một tên nào đó, để đại diện cho một hằng số, có nghĩa là thay vì bạn viết cái giá trị đó, thì bạn viết cái tên đại diện đó, để dễ nhớ. Chẳng hạn, bạn viết chữ pi, đại diện cho hằng số có giá trị 3.1415926....

Trong khi đó, nếu bạn đặt một biến pi, thì có nghĩa là bạn xác định địa chỉ của thanh ghi dữ liệu nào đó, mà mỗi khi bạn truy xuất đến biến pi, có nghĩa là bạn đang thao tác với thanh ghi ở địa chỉ mà biến pi đại diện. Ví dụ: bạn đặt biến pi ở thanh ghi 0x20 chẳng hạn. Điều đó có nghĩa là khi ban làm gì với biến pi, chính là bạn đang làm việc với thanh ghi ở địa chỉ 0x20.

Nhưng bạn sẽ thấy rằng, vậy biến pi và hằng số pi có gì khác nhau? Bây giờ biến pi và hằng pi cũng đều mang giá trị cả. Nhưng các bạn nên nhớ, trong câu lệnh lúc nào vị trí của biến (thanh ghi) F, và vị trí của hằng số k (trong cấu trúc một câu lệnh MPASM, tôi sẽ post lại bài này từ dddt). có sự phân biệt rõ ràng.

Vậy tùy theo vị trí bạn đặt nó ở đâu, nó sẽ là biến, hoặc là hằng. Nếu là biến, nó chỉ mang giá trị của dịa chỉ của thanh ghi nằm trong bộ nhớ dữ liệu, nếu là hằng, nó nằm đâu cũng được kể cả ở bộ nhớ dữ liệu và bộ nhớ chương trình.

Các bạn cần tham khảo bài viết tập lệnh MPASM và kiến trúc PIC và bài kỹ thuật bảng, đã được đăng tại www.diendandientu.com.

Khi có thời gian, tôi sẽ chuyển bài viết đó về đây để các bạn xem.

zero2one
02-07-2005, 02:13 PM
Vậy tùy theo vị trí bạn đặt nó ở đâu, nó sẽ là biến, hoặc là hằng. Nếu là biến, nó chỉ mang giá trị của dịa chỉ của thanh ghi nằm trong bộ nhớ dữ liệu, nếu là hằng, nó nằm đâu cũng được kể cả ở bộ nhớ dữ liệu và bộ nhớ chương trình.


Em vẫn còn đôi điều khúc mắc, mong bác nhiệt tình chỉ bảo :
Khi viết :
LABLE1 EQU 0x20
....
MOVLW 0xFF
MOVWF LABLE1
-> lúc này em muốn LABLE1 là một biến, đặt nó ở vị trí 0x20 trong RAM -> OK.

Còn :
LABLE2 EQU 0x20
...
MOVLW LABLE2
-> em muốn LABLE2 là một hằng mang giá trị 0x20 và OK.

Nhưng nếu gộp lại :
LABLE3 EQU 0x20
...
MOVLW 0xFF
MOVWF LABLE3

MOVLW LABLE3 ;!!!!???? :confused:

thì W = ?, có gì sai không ?

Như vậy, chốt lại : cụ thể với câu lệnh "LABLE3 EQU 0x20" thì trình dịch nó có hiểu LABLE3 là hằng hay là một thanh ghi (biến) ? Hay là nó phải phụ thuộc vào những thao tác phía sau này, xem người dùng định nghĩa nó như hằng hay thanh ghi ? :confused:
Ý của em là vậy, vì mới học nên thắc mắc lung tung, thấy bác nhiệt tình nên em mới dám hỏi. Mong bác chỉ bảo :)

tuanva
02-07-2005, 02:55 PM
Tôi đã làm mạch chạy theo hướng dẫn. Tôi dùng thạch anh 10Mhz. Xin hỏi nếu tôi muốn PIC chạy tốc độ < 10Mhz (8 MHz chẳng hạn) mà ko thay thạch anh có được không? Làm thế nào?

Thank.

tuanva
02-07-2005, 06:00 PM
Phần nút bấm falleaf có thể cho 1 đoạn code mẫu (dùng cho mạch trong bài này) được không?

falleaf
03-07-2005, 12:08 AM
Hiện nay tôi đang khá bận, cho nên các câu hỏi của các bạn, tôi sẽ trả lời sau.

Tôi đề nghị rằng chúng ta nên tạo ra một cái luồng khác để thảo luận, và đặt các câu hỏi ngắn. Phần bài viết này có lẽ các bạn chỉ nên nói về những cái đúng, cái sai trong bài viết của tôi, và những đề nghị cải tiến, hoặc những sản phẩm minh họa mà các bạn đã thực hiện từ bài viết này.

Bởi vì những bài viết này, sau này sẽ được tổng hợp thành tutorial về PIC, và tôi không đủ khả năng một mình viết hết tất cả các vấn đề như các cuốn sách lớn khác, nên tôi rất cần sự bổ sung sản phẩm thực tế của các bạn, sẽ làm cho cuốn sách có giá trị hơn.

Vì nếu không, các bạn cứ đặt câu hỏi ở đây, luồng này sẽ rất dài, và gây khó khăn cho người đọc.

Chân thành cảm ơn.

Falleaf.

zero2one
03-07-2005, 12:50 AM
OK, ủng hộ bác falleaf.

falleaf
11-07-2005, 10:45 PM
Thanh ghi W


Trong bài này, chúng ta nói đôi nét về thanh ghi W để các bạn nắm rõ hơn phương thức hoạt động của PIC.

Khái niệm thanh ghi W:

Thanh ghi W là thanh ghi làm việc (Working register), và hầu hết mọi lệnh của PIC đều liên quan đến thanh ghi W này, lấy thí dụ như ADDLW (cộng một số vào giá trị đã có trong thanh ghi W), SUBWF (trừ giá trị của thanh ghi W cho một thanh ghi khác), XORLW (lấy XOR của một số và thanh ghi W)... Và các bạn để ý rằng, tổng số lệnh có thể tương tác với thanh ghi W là 23/35 lệnh, gần như chiếm toàn bộ tập lệnh của PIC. Vậy chúng ta ghi nhận điều thứ nhất, khi PIC làm việc, gần như luôn luôn tương tác với thanh ghi W.

Điều thứ hai, các bạn nhìn trong bản đồ bộ nhớ dữ liệu của PIC, các bạn sẽ thấy là thanh ghi W là thanh ghi không có mặt ở bất kỳ băng nào của bộ nhớ dữ liệu, trong khi đó thanh ghi STATUS có mặt ở cả 4 băng. Các bạn lại thấy một điều rằng, thanh ghi W và thanh ghi STATUS có thể được truy nhật từ tất cả các băng, và từ bất kỳ đâu trong chương trình, và vì vậy chúng trở thành những thanh ghi toàn cục nhất. Điểm khác biệt giữa chúng ra sao? Đâu là sự khác biệt giữa thanh ghi W và các thanh ghi khác?

Điểm thứ ba, trong tập lệnh của PIC, không có lệnh nào cho phép tương tác trực tiếp giữa một thanh ghi trong bộ nhớ dữ liệu dùng chung với một giá trị thêm vào, mà đều phải thông qua thanh ghi W. Như vậy, thanh ghi W là cầu nối của hầu hết các phép toán được thực hiện trên các thanh ghi nằm trong bộ nhớ dữ liệu.

Như vậy, thanh ghi W vô cùng quan trọng trong hoạt động của PIC.

Nhắc lại kiến trúc Harvard và Von Newmann:

Hình sau sẽ gợi lại cho các bạn nhớ về kiến trúc Harvard và Von Newmann, trong đó các bạn luôn nhớ rằng có sự phân biệt giữa bộ nhớ dữ liệu và bộ nhớ chương trình. Các bạn thấy rằng bus bộ nhớ chương trình của PIC midrange chỉ có 14 bit.

http://i3.photobucket.com/albums/y64/falleafd/Harvard.gif

Với đặc điểm này, chúng ta sẽ phân tích vì sao cần phải có thanh ghi W, và sau đó chúng ta sẽ phân tích tất cả các hoạt động của thanh ghi W trong một chương trình viết bằng PIC, nếu có thể. Những gì còn lại, chúng ta sẽ xem trong bài tập lệnh của PIC midrange.

Vì sao cần phải có thanh ghi W?

Bạn sẽ làm thế nào để tính phép toán sau: lấy giá trị a của thanh ghi A cộng với giá trị b của thanh ghi B và đặt vào thanh ghi A? Một giới hạn của tập lệnh PIC là không cho phép cộng hai thanh ghi và đặt vào một thanh ghi khác. Do đó, các bạn sẽ phải thực hiện thao tác sau:

Chuyển giá trị b từ thanh ghi B vào thanh ghi W, sau đó lấy giá trị của thanh ghi W (lúc này là b) cộng với giá trị a ở thanh ghi A, sau đó gán lại vào thanh ghi A. Đoạn code được thực hiện như sau:


MOVF B, W ; chuyển giá trị của thanh ghi B vào thanh ghi W
ADDWF A, F ; cộng giá trị của thanh ghi A với giá trị b của thanh ghi W và gán lại vào A


Khi các thanh ghi A và B không nằm trong cùng một băng, khi thao tác với từng thanh ghi, các bạn chỉ việc đổi về băng chứa các thanh ghi đó là xong. Một đoạn lệnh hoàn chỉnh có thể thực hiện cho bất kỳ 2 thanh ghi nào được viết như sau:


BANKSEL B
MOVF B, W
BANKSEL A
ADDWF A, F



Đoạn chương trình này cũng minh hoạ luôn cho việc thanh ghi W là một thanh ghi toàn cục, khi chúng ta thao tác với thanh ghi B ở một băng bấ kỳ, nhưng khi chuyển giá trị b từ thanh ghi B vào thanh ghi W rồi, thì chúng ta không cần quan tâm rằng giá trị đó nằm ở đâu, chỉ cần chuyển về băng chứa thanh ghi A thì lệnh cộng sẽ được thực hiện một cách dễ dàng.

Một thí dụ khác về lệnh cộng, nhưng không phải là cộng giá trị nằm trong 2 thanh ghi, mà là cộng giá trị a của thanh ghi A với một số k cho trước nào đó, giả sử k = 5 và lưu vào thanh ghi A.

Chúng ta thấy rằng, hoàn toàn trong tập lệnh không có lệnh cộng trực tiếp một thanh ghi với một số, mà chỉ có lệnh cộng một số với thanh ghi W. Như vậy chúng ta phải thực hiện thao tác sau: chuyển giá trị a từ thanh ghi A vào thanh ghi W, cộng thanh ghi W với hằng số k = 5, sau đó chuyển giá trị mới của thanh ghi W trở lại thanh ghi A. Điều này được thực hiện như sau:


MOVF A, W
ADDLW d'5'
MOVWF A


Trong thí dụ này, chúng ta sẽ không thấy W là một biến tạm nữa, mà trở thành một thanh ghi dùng để lưu kết quả cộng với một con số. Đến bây giờ, thì chúng ta sẽ giả thích rõ hơn vì sao chúng ta phải làm như vậy.

Chúng ta thấy rõ ràng rằng, một dòng lệnh của PIC midrange, được mô tả bằng 14 bit. Điều này có nghĩa là, khi thực hiện một lệnh cộng, không thể nào dòng lệnh đó vừa lưu địa chỉ của thanh ghi A, vừa lưu giá trị 8 bit của hằng số k được, vì một thanh ghi trong dòng PIC midrange cần tối thiếu 7 bit để biểu diễn địa chỉ thanh ghi, và một hằng số chiếm 8 bit. Nó vượt quá con số 14 bit cho phép để mã hoá lệnh. Chính vì vậy, không thể thực hiện lệnh cộng trực tiếp từ một thanh ghi với một số được. Quay lại thí dụ ở trên, chúng ta cũng thấy rằng không thể thực hiện việc cộng hai thanh ghi với nhau, nếu như cần lưu 2 địa chỉ thanh ghi, chúng ta sẽ mất 14 bit, và như vậy không có các bit mã hoá mô tả lệnh cần thực hiện là gì.

Đây chính là điểm khác biệt giữa tập lệnh RISC và tập lệnh CISC. Tập lệnh CISC có thể thực hiện lệnh phức, vì nó có thể tạo ra một lệnh dài 8 bit, 16 bit, 24 bit... và là bộ số của 8 bit. Do đó, nếu cần cộng 2 thanh ghi 8 bit, nó hoàn toàn có thể tạo ra một lệnh dài 24 bit, trong đó 8 bit dùng để mã hoá, 8 bit dành cho địa chỉ của thanh ghi thứ nhất, 8 bit dành cho địa chỉ cua thanh ghi thứ 2. Trong khi đó, tập lệnh CISC là tập lệnh rút gọn, cho dù nó là lệnh gì, nó cũng luôn luôn chỉ có 14 bit (đối với PIC midrange).

Thanh ghi W giống như một thanh ghi mặc định duy nhất, vì vậy, khi thực hiện, bộ xử lý trung tâm có thể giải mã được nếu lệnh đó có cần thao tác với thanh ghi W hay không, mà không cần lưu địa chỉ của thanh ghi W bên trong đoạn mã lệnh.

Chúng ta xem hình dưới đây để biết được bộ xử lý logic hoạt động như thế nào với thanh ghi W.

http://i3.photobucket.com/albums/y64/falleafd/WREG.gif

Vậy chúng ta đã thấy rõ sự cần thiết của thanh ghi W, bởi vì chúng ta cần có một thanh ghi tạm cho các công việc tính toán, và chúng ta cần mã hoá thanh ghi mà không cần tốn quá nhiều bit, vậy thì thanh ghi W vừa là thanh ghi có tính toàn cục, vừa là thanh ghi tạm, vừa là thanh ghi không cần thiết nhiều bit để biểu diễn địa chỉ.

Các bạn đã biết vì sao chúng ta phải cần thanh ghi W, bây giờ chúng ta cần biết thanh ghi W hoạt động như thế nào trong các chương trình của PIC.

falleaf
25-07-2005, 03:11 AM
Các bạn có thể download bài viết Kỹ Thuật Bảng (http://picvietnam.com/download/KyThuatBang.pdf) tại đây để tham khảo và hiểu kỹ thuật thiết lập một bảng dữ liệu với PIC.

Kỹ thuật bảng này dùng trong một số trường hợp như: Xuất dữ liệu ra LCD, ra màn hình, sử dụng làm các vector điều khiển vận tốc gia tốc động cơ, dùng để điều khiển động cơ bước...

planandwork
10-10-2005, 10:43 PM
tuyệt quá tuyệt quá .
em phải mua ngay 1 mạch nạp pic mới được .

tinhthanthep
20-10-2005, 11:28 PM
Sao vẫn chưa thấy bác falleaf viết tiếp về phần nút bấm nhỉ? trong phần này còn có kỹ thuật xử lý rung của nút bấm nữa. Và cả ngắt nữa...

falleaf
21-10-2005, 09:40 AM
Đây là một thí dụ về nút bấm:

Nối nút bấm với RA0, RA1, RA2, RA3 với điện trở kéo lên. Nối đèn LED vào RB0, RB1, RB2, RB3 với điện trở nối tiếp và đèn LED được nối xuống mass.

(hình vẽ sẽ post lên sau vì chưa có thời gian)

Thuật toán quét sẽ như sau:

Nếu SW0 là cao thì bật LED0
Nếu SW0 là thấp thì tắt LED0
Nếu SW1 là cao thì bật LED1.... cứ như thế cho các nút bấm khác.

Chương trình như sau:


;---------------------------------
; Khoi tao
;---------------------------------
; Đặt PORTA có RA0 - RA3 là input
; Đặt PORTB có RB0 - RB3 là output
; Xóa PORTA, xóa PORTB

SW0 BTFSC PORTA, 0
GOTO TURNON0
BCF PORTB, 0

SW1 BTFSC PORTA, 1
GOTO TURNON1
BCF PORTB, 1

SW2 BTFSC PORTA, 2
GOTO TURNON2
BCF PORTB, 2

SW3 BTFSC PORTA, 3
GOTO TURNON3
BCF PORTB, 3

GOTO SW0 ; quay lại quét từ đầu

TURNON0 BSF PORTB, 0
GOTO SW1

TURNON1 BSF PORTB, 1
GOTO SW2

TURNON2 BSF PORTB, 2
GOTO SW3

TURNON3 BSF PORTB, 3
GOTO SW0

END.




Xong!


Các bạn làm thử chơi vui... Chúc một cuối tuần vui vẻ.

falleaf
31-10-2005, 08:51 PM
Các bạn download tài liệu Tập Lệnh PIC Midrange bằng link này:

www.picvietnam.com/download/taplenh.pdf

Lưu ý với các bạn rằng, vì lý do đay là tài liệu chúng tôi biên soạn cho cuốn sách sắp hoàn thành, do đó, chúng tôi không cho phép in ấn hoặc copy.

Các bạn có thể download về để tham khảo.

Một chú ý nữa, đó là tài liệu này chưa được viết xong, còn các lệnh tôi chỉ mới sửa chữa sơ sơ, chủ yếu là phần chú thích, tôi nghĩ sau khi viết xong phần này, có thể đã giúp ích cho rất nhiều kỹ sư từng làm việc quen với vi điều khiển khác chuyển sang học PIC. Họ có thể tra cứu nhanh và nắm bắt các nguyên tắc lập trình PIC.

Cuối cùng, nếu các bạn sử dụng tài liệu này để soạn lại, hoặc đưa vào luận văn, hoặc các tài liệu của các bạn, xin các bạn ghi rõ nhóm tác giả picvietnam.com

Kể từ nay cho đến khi chúng tôi viết xong cuốn sách, các bạn được phép sử dụng các tài liệu như thế này một cách hoàn toàn miễn phí, cho mục đích cá nhân, không được phép công bố, sao chép.

Lý do tôi thông báo điều này, vì có bạn đã hỏi tôi về việc sử dụng tài liệu của tôi cho lớp dạy học sắp mở của các bạn đó, tôi rất hoan nghênh việc mở lớp của tất cả những người có nguyện vọng truyền thụ kiến thức cho sinh viên. Song vì có quá nhiều lớp sẽ mở ra, và có nhiều người sử dụng tài liệu do tôi biên soạn, để đảm bảo uy tín cho picvietnam, tôi mới đề nghị như trên, bởi vì tôi không tham gia chính thức vào bất kỳ lớp dạy học nào, ngoại trừ lớp của Bình Anh ở Hà Nội và lớp của Doãn Minh Đăng tại HCMC với vai trò cố vấn.

Chúc vui.

falleaf
02-01-2006, 02:10 PM
www.picvietnam.com/download/PICSoft/PicTimerCalcV4.zip

Một điều không có gì cần thiết lắm, nhưng đôi khi nó lại làm cho chúng ta bối rối, đó là tính toán các con số delay, timer với thời gian thực.

Chương trình trên đây giúp chúng ta đỡ mất công suy nghĩ và tính toán hơn khi thao tác với timer. Đây chỉ là một chương trình bổ trợ nhỏ, nhưng cũng có lẽ sẽ giúp ích khi chúng ta đã làm việc quá lâu với máy tính, và có thể vài con số sẽ làm chúng ta bối rối.

Mong rằng nó giúp được cho các bạn.

Lưu ý, các bạn mới học PIC, khi tính toán với Timer, các bạn cố gắng tự tính bằng tay, sau đó sử dụng chương trình này để kiểm tra lại kết quả, để xem mình đã hiểu đúng về hoạt động của timer chưa.

Chúc vui.

sinhluc
11-04-2006, 04:16 PM
bai viet của bac falleaf that la tuyệt voi. rất bài bản khoa học và có tính sư phạm cao, de hiểu lắm. đọc song là em máu làm luôn. tuong là có thể làm ngay, nhung khi bắt đầu thì lại khong biết là viết trên chuong trình biên dịch nào dịch, viet vào đâu... chi thấy nói là bấm alt-f10. Nên em vừa định bắt đầu lại tắc tịt luôn.
Mong bác bổ xung thêm chỗ này, em chưa biết một chuong trình biên dịch nào, bác cho em cai nào ngon ngon dễ sử dụng, hay bác co trình nào chuyen nghiệp thi làm một tutorial. em dang mau quá. Cam on bac !

nhh
12-04-2006, 10:28 AM
bai viet của bac falleaf that la tuyệt voi. rất bài bản khoa học và có tính sư phạm cao, de hiểu lắm. đọc song là em máu làm luôn. tuong là có thể làm ngay, nhung khi bắt đầu thì lại khong biết là viết trên chuong trình biên dịch nào dịch, viet vào đâu... chi thấy nói là bấm alt-f10. Nên em vừa định bắt đầu lại tắc tịt luôn.
Mong bác bổ xung thêm chỗ này, em chưa biết một chuong trình biên dịch nào, bác cho em cai nào ngon ngon dễ sử dụng, hay bác co trình nào chuyen nghiệp thi làm một tutorial. em dang mau quá. Cam on bac !

Trình biên dịch là MPLAB,do microchip cung cấp miễn phí
Qua bên này học pic cơ bản:
http://www.picvietnam.com/forum//showthread.php?t=4

sinhluc
12-04-2006, 11:31 AM
thank you namqn và nhh. Minh biet la rat gian nan, hy vong các ban giup do.

Mnh da cai MPLAB roi, chi nhac bac falleaf bo xung mot it thieu sot nhu da noi o tren do thoi.

falleaf
12-04-2006, 02:48 PM
thank you namqn và nhh. Minh biet la rat gian nan, hy vong các ban giup do.

Mnh da cai MPLAB roi, chi nhac bac falleaf bo xung mot it thieu sot nhu da noi o tren do thoi.

Thành thật xin lỗi bạn, thời gian này mình đang rất bận, vừa phải lên lớp, vừa phải làm dự án, chuẩn bị thư viện điện tử cho picvietnam và dientuvietnam, xem xét sản xuất bộ sản phẩm thứ hai phát triển pic và picvietnam, và đang làm việc với anh Nam để chuẩn hóa MPASM, rồi viết cuốn sách MPASM...

Với khối lượng việc như vậy, mình không thể đảm bảo trả lời hết các bài viết của các bạn, mong các bạn thông cảm, và rất nhiều thành viên có thể giúp đỡ các bạn thêm trong thời gian này.

Đây là một bản dịch tài liệu hướng dẫn mà mình đã cho sinh viên mình soạn từ 2 năm trước, nó đã được đăng trên diendandientu.com. Tuy nhiên, vì mình thấy tài liệu chưa tốt, nên không phổ biến trên picvietnam. Một khi đã phổ biến trên picvietnam, mình muốn nó luôn luôn là tài liệu chuẩn hóa và có giá trị cao đối với thành viên.

Khi các bạn gặp khó khăn nhất thời, có thể tạm sử dụng tài liệu này. Tuy nhiên, mình tuyên bố, đây không phải là tài liệu chính thức của picvietnam. Tất cả các tài liệu chính thức của picvietnam, đều được post theo form chuẩn, và lưu trữ trong host của picvietnam với đường link www.picvietnam.com/download/.....

Chúc vui

falleaf
12-04-2006, 03:44 PM
Post xong thấy bực mình quá, vì F vốn không thích kiểu làm việc như vậy. Nên đây, các bạn có thể download tạm tài liệu này để sử dụng có vẻ tốt hơn.

Một là tài liệu này cũng không phải là tài liệu chính thức. F chỉ viết chơi và chỉnh sửa lại một chút cho nó đúng form nhìn cho nó tốt hơn. Nhưng mà mặt khác F nghĩ nó cũng đã khá tốt rồi. Tài liệu này được viết từ cách đây gần 2 năm rồi, nên một số chỗ F còn để là diendandientu.com (vì lúc đó chưa có www.picvietnam.com), hoặc là mã số bài viết bên trong sai với tên tập tin bên ngoài, hoặc còn một số sai sót hoặc lời viết lung tung, bởi vì F copy qua lại, mong các bạn thông cảm.

Trong bài hướng dẫn này, F sử dụng mạch nạp PIC1 để hướng dẫn.

http://www.doanhiep.com/~ulsan/Tailieuvietnam/BOOK06.01.PIC.DH.100406.pdf

Chúc vui

namqn
21-04-2006, 11:55 PM
Theo đề nghị của chú F, tôi viết tutorial ngắn này để các bạn mới bắt đầu học PIC không thắc mắc về kích thước của tập tin .hex, cùng với cách tính số word, kword trong chương trình của PIC.

Trong thế giới số:
1 k = 2^10 = 1024
1 mega = 2^20 = 1048576

1 kword = 1024 word
và, 8 kword = 8x1024 = 8192 word

Các chip PIC16 với bộ nhớ 8 kword, chẳng hạn như 16F877A, có 4 trang bộ nhớ Flash, mỗi trang là 2 kword. Nếu chương trình tràn khỏi biên của một trang thì người viết chương trình phải tự đảm bảo là các lệnh nhảy có thể thực hiện thành công, do đó trình biên dịch thường có thông báo nhắc nhở.

Đối với tập tin .hex, các byte được ghi bằng ký tự ASCII thể hiện mã hexadecimal của byte. Mỗi lệnh của PIC16 dài 14-bit, được ghi vào tập tin .hex bằng 2 byte, và mỗi byte được ghi bằng 2 ký tự ASCII, như vậy mỗi lệnh cần dùng tới 4 ký tự ASCII để ghi vào tập tin .hex. Ngoài ra còn có các thông tin định dạng và kiểm tra lỗi cho mỗi dòng trong tập tin .hex và các thông tin khác cho cấu hình của chip, nếu có dùng, và một số thông tin khác, chẳng hạn như địa chỉ bắt đầu của vùng nhớ được điền vào. Mỗi dòng cần có thêm 11 ký tự ASCII cho mục đích định dạng và kiểm tra lỗi, và mỗi dòng chỉ mã hóa cho tối đa 32 byte, tức là 16 lệnh. Các trình dịch PIC thường chỉ dùng 16 byte cho mỗi dòng trong tập tin .hex, do đó thường cần 1 dòng cho mỗi 8 lệnh.

Lấy ví dụ một chương trình dài 2048 lệnh, với cách ghi thành tập tin .hex thông thường, sẽ cần 256 dòng, mỗi dòng dùng hết 4x8 + 11 = 43 ký tự, và 256 dòng sẽ cần 11008 ký tự cho riêng phần mã lệnh, các thông tin khác cũng sẽ dùng thêm khoảng 200 ký tự. Do đó, chương trình này khi được ghi thành tập tin .hex sẽ có kích thước lớn hơn 11 kbyte (hơn 11 ngàn ký tự).

Thân,

tuanla
23-05-2006, 04:19 PM
Các bác ơi, Tôi thấy có 1 số chỗ trong chương trình Led_1_1 phải sửa thì mới chạy ngon được: các bác tham khảo nhé - tui dùng PIC16F84A

1. Chỗ khai báo PROCESSOR không ghi tắt được mà phải đầy đủ là PROCESSOR PIC16F84A

2. Chỗ BSF PROTB,0 : TRƯỚC đó cần khởi tạo giá trị =0 chẳng hạn cho thanh ghi này đã, nếu không hình như nó có RÁC hay sao đó - hi hi. Tôi đã thêm lệnh CLRF PORTB vào trước dòng này, thì đèn LED mới hiển thị đúng - chỉ 1 đèn ở RB0.

3. Chỗ kết thúc : sau cái END không có dấu chấm .

Ngoài ra, nếu bác nào dùng ICPROG theo hướng dẫn mà Verify .... cứ báo lỗi thì các bác cứ chuyển đại sang chế độ Direct I/O ( không dùng chế độ Windows API nữa), các bác sẽ thấy nạp ngon ngay, lại còn nhanh hơn vài lần . Hê Hê.

Newbie xin đóng góp 1 tị.

falleaf
23-05-2006, 04:33 PM
Các bác ơi, Tôi thấy có 1 số chỗ trong chương trình Led_1_1 phải sửa thì mới chạy ngon được: các bác tham khảo nhé - tui dùng PIC16F84A

1. Chỗ khai báo PROCESSOR không ghi tắt được mà phải đầy đủ là PROCESSOR PIC16F84A

2. Chỗ BSF PROTB,0 : TRƯỚC đó cần khởi tạo giá trị =0 chẳng hạn cho thanh ghi này đã, nếu không hình như nó có RÁC hay sao đó - hi hi. Tôi đã thêm lệnh CLRF PORTB vào trước dòng này, thì đèn LED mới hiển thị đúng - chỉ 1 đèn ở RB0.

3. Chỗ kết thúc : sau cái END không có dấu chấm .

Ngoài ra, nếu bác nào dùng ICPROG theo hướng dẫn mà Verify .... cứ báo lỗi thì các bác cứ chuyển đại sang chế độ Direct I/O ( không dùng chế độ Windows API nữa), các bác sẽ thấy nạp ngon ngay, lại còn nhanh hơn vài lần . Hê Hê.

Newbie xin đóng góp 1 tị.

1) Dòng khai báo Processor có hai cách, viết đầy đủ cũng được, còn một cách viết khác (hic, dạo này không thể nhớ nổi những cái này nữa, các bạn xem lại có hai cách khai báo processor, một cách viết P, một cách viết PIC).

3) END lưu ý không có dấu . là chính xác, có một cái tut F có viết sai là có dấu . (chấm), vì theo thói quen kết thúc bài viết, qmk đã có sửa lại, các bạn chú ý.

newuser
24-05-2006, 12:27 PM
đúng thế đấy bạn, nếu bạn xuất led mà không có dòng CLRF PORTx là thấy chạy sai liền, Protues mô phỏng y chang...

falleaf
30-05-2006, 04:00 PM
Từ hôm nay, F cắt các bài trong phần Học PIC trong 1 ngày ra thành Thảo luận xung quanh Học PIC trong 1 ngày, lý do rằng một số bài đi lan man, và cứ nhấn tới các câu hỏi.

Trong luồng này, chỉ lưu các tutorial của picvietnam, nhưng câu hỏi và trả lời liên quan đến bài học, nhằm giúp đỡ những người mới học tham gia và đọc một cách dễ dàng nhất.

Vì vậy, khi quyết định viết bài vào luồng này, các bạn phải thật cân nhắc, nếu không bài của các bạn sẽ bị di chuyển sang luồng khác.

http://www.picvietnam.com/forum/showthread.php?t=446

Liên quan đến bài học là thế nào? Là bạn đọc bài học ở đây, làm theo và có thắc mắc, hoặc là bạn có viết thêm các tutorial để bổ sung vào luồng này cho người học có thêm tài liệu phong phú. Nếu không phải là một trong hai trường hợp này, đề nghị các bạn không viết bài vào luồng này, để tránh các thành viên mới rất khó kiếm bài và rất khó hệ thống tài liệu học.

Chúc vui.

dtnbk
05-07-2006, 12:46 AM
Sao Em Download File Tập Lệnh Về Lại Ko Thể Mở Xem Duoc Vậy Nhỉ.
Nó Cứ Bảo File Damaged And Could Not Repair....

falleaf
05-07-2006, 01:42 AM
Nhiều người download thành công, và F cũng kiểm tra lại rồi, mọi thứ ok. Có thể đường truyền ở Việt Nam có vấn đề, cho nên đôi khi download giữa chừng nó bị hỏng, và dẫn tới file down về bị hư.

Chúc vui

friends
04-08-2006, 09:36 AM
Cac anh cho em hoi, khi dung chuong trinh ngat theo mau nhu ben duoi ,thi co can khai bao cac vung ram ben duoi khong

Vi du: co can khai bao nhu the nay khong?

…………….

Org 0x20
W_SAVE
STAT_SV
PCH_SV
FSR_SV
ORG 0X0000
…………………..

;DAY LA CHUONG TRINH NGAT THEO MAU
;================================================= ===========================================
INTERRUPT

;-------------------------------------------
;Doan ma bat buoc de vao ngat
;-------------------------------------------

MOVWF W_SAVE ;W_SAVE(bank unknown!) = W
SWAPF STATUS, W
CLRF STATUS ; force bank 0 for remainder of handler
MOVWF STAT_SV ; STAT_SV = swap_nibbles( STATUS )
; STATUS = 0
MOVF PCLATH, W
MOVWF PCH_SV ; PCH_SV = PCLATH
CLRF PCLATH ; PCLATH = 0
MOVF FSR, W
MOVWF FSR_SV ; FSR_SV = FSR
; 10 cycles from interrupt to here!

;-----------------------------------
;Doan chuong trinh ngat
;-----------------------------------

; cac ban se viet chuong trinh ngat o day

;--------------------------------------------------
;Doan ma bat buoc de ket thuc ngat
;--------------------------------------------------

MOVF FSR_SV, W
MOVWF FSR ; FSR = FSR_SV
MOVF PCH_SV, W
MOVWF PCLATH ; PCLATH = PCH_SV
SWAPF STAT_SV, W
MOVWF STATUS ; STATUS = swap_nibbles( STAT_SV )
SWAPF W_SAVE, F
SWAPF W_SAVE, W ; W = swap(swap( W_SAVE )) (no change Z bit)

BSF INTCON, GIE
RETFIE
;================================================= ==================================================

newuser
04-08-2006, 08:29 PM
chắc chắn là cần lưu giữ giá trị các thanh ghi W, STATUS và PCLATH nếu bạn muốn chương trình chạy đúng sau khi trở về từ ngắt. Cách khai báo hình như không đúng...mình thường viết như thế này:
W_TEMP EQU 0X20
STATUS_TEMP EQU 0X21
PCLATH_TEMP EQU 0X22

riêng FSR có cần lưu trữ nó không nhỉ?

namqn
04-08-2006, 08:46 PM
chắc chắn là cần lưu giữ giá trị các thanh ghi W, STATUS và PCLATH nếu bạn muốn chương trình chạy đúng sau khi trở về từ ngắt. Cách khai báo hình như không đúng...mình thường viết như thế này:
W_TEMP EQU 0X20
STATUS_TEMP EQU 0X21
PCLATH EQU 0X22

riêng FSR có cần lưu trữ nó không nhỉ?
Cách khai báo địa chỉ biến của bạn friends vẫn dịch ra đúng, mặc dù cách dùng không hay lắm, nên dùng cblock ... endc thì tốt hơn.

Còn cách định nghĩa hằng của em:
PCLATH EQU 0X22
liệu có hợp lệ hay không?

Thân,

newuser
04-08-2006, 09:03 PM
ủa, thôi chết, em viết thiếu, đại loại phải như vầy (đúng là nhanh nhảu đoảng... hic)
PCLATH_TEMP EQU 0X22

cách khai báo như bạn friend vẫn đúng? anh có thể giải thích rõ hơn không?

namqn
04-08-2006, 09:45 PM
À, anh xem lướt qua nên không phát hiện lỗi ở lần đầu.

Phần khai báo của bạn friends dịch không có lỗi, nhưng chạy chương trình sẽ bị sai (vì các địa chỉ biến được đặt không đúng). Toàn bộ 4 biến đó đều sẽ có địa chi 0x20. Bạn friends cần phải chỉnh lại như sau thì mới có chương trình đúng:
Org 0x20
W_SAVE res 1
STAT_SV res 1
PCH_SV res 1
FSR_SV res 1
ORG 0X0000

Giải thích thêm về phần này. Directive org chỉ làm thay đổi bộ đếm địa chỉ của trình hợp dịch. Với đoạn code như trên, chúng ta sẽ có W_SAVE là nhãn ở địa chỉ 0x20, STAT_SV là nhãn ở địa chỉ 0x21, và cứ thế. Từ khóa res và giá trị 1 sẽ làm bộ đếm địa chỉ tăng 1 đơn vị. Cách này không hay vì các địa chỉ biến thực chất là địa chỉ của các nhãn được hiểu là sẽ được dùng làm đích của các lệnh chuyển điều khiển (hay nói cách khác chúng là các địa chỉ của các từ lệnh), nếu dùng chúng trong các PIC18 chẳng hạn thì sẽ bị sai (vì các từ lệnh cách nhau 2 byte, và PIC18 dùng địa chỉ byte).

Thân,

vudinhlieu
10-08-2006, 03:54 PM
Chào bang chủ ,đệ tử nhập môn thật vất vả để viết chương trình đầu tiên !
thứ 1 : vì chưa biết gì về MPLAB thế nên sau khi cài đặt đọc mãi hướng dẫn sử dụng mới có thể làm được mong bang chủ thêm phần hướng dẫn cơ bản sử dụng MPLAB trong 1 ngày học PIC
thứ 2 : Ngay trong bài tập đầu tiên Bang chủ đã gài pan thêm dấu . kế lệnh END làm trình dịch báo lổi mà ko biết mò đâu mà sửa ! dù sao thì đệ cũng đã làm được bài tập đầu tiên !

namqn
10-08-2006, 06:38 PM
Chào bang chủ ,đệ tử nhập môn thật vất vả để viết chương trình đầu tiên !
thứ 1 : vì chưa biết gì về MPLAB thế nên sau khi cài đặt đọc mãi hướng dẫn sử dụng mới có thể làm được mong bang chủ thêm phần hướng dẫn cơ bản sử dụng MPLAB trong 1 ngày học PIC
thứ 2 : Ngay trong bài tập đầu tiên Bang chủ đã gài pan thêm dấu . kế lệnh END làm trình dịch báo lổi mà ko biết mò đâu mà sửa ! dù sao thì đệ cũng đã làm được bài tập đầu tiên !
Về thứ 1: Cá nhân tôi không nghĩ rằng mình có thể sử dụng ngay một phần mềm mới ngay sau khi cài đặt, ít nhất tôi cũng phải đọc qua các tutorial của phần mềm (nếu có), và sau đó là hướng dẫn sử dụng. Ngoài ra, ít nhất là đâu đó trong diễn đàn này đã có các hướng dẫn về MPLAB, chẳng hạn như luồng này:
http://www.picvietnam.com/forum/showthread.php?t=354

Về thứ 2: đó chưa hẳn là một pan được gài, MPLAB đã trải qua nhiều lần nâng cấp kể từ khi chú F viết bài tập đó, đến nay thì directive END được dùng cho các chương trình hợp ngữ dành cho các vi điều khiển 8-bit (PIC10, PIC12, PIC16 và PIC18, nhưng directive .END vẫn được dùng cho các chương trình hợp ngữ dành cho các vi điều khiển và DSC 16-bit (PIC24, dsPIC30, dsPIC33).

Thân,

vudinhlieu
12-08-2006, 07:06 PM
Vì quá kém cỏi đành xin trưởng lão thọ giáo thêm chút nữa !
vì sao chương trình này em viết dịch bị lỗi !


;====================================
; bai tap 2
; mach den chop 8 led tu trai qua phai
;ngay bat dau :12/08/2006
;nguoi thuc hien : vu dinh lieu
;mo ta phan cung : Dung PIC16F628A - thach anh 4MHz
; : LED giao tiep voi PORTB
; : Cuc am cua LED noi voi GND
; : RB0 - RB7 la cac chan output
; Chu thich :
; dùng thanh ghi W ghi vào giá tri 00000001
; xuat ra PORTB
; delay
; dùng lenh dich trai portB
; xuat ra PORTB 15
;================================================= ===================
TITLE "Mach chop 8 LED_1"
PROCESSOR P16F628A
INCLUDE <P16F628A.inc>
__CONFIG _CP_OFF & _PWRTE_ON & _WDT_OFF &_HS_OSC

;================================================= ======
count1 EQU 0x20 ; cac bien dung cho doan chuong trinh delay
counta EQU 0x21
countb EQU 0x22
;================================================= ==============================
ORG 0x0000
GOTO MAIN
ORG 0x0005
MAIN
BANKSEL TRISB ; bank select
CLRF TRISB ; trisb = 00000000
; portb = output
LOOP
BANKSEL PORTB
MOVLW 0x01
MOVWF PORTB ; rb = 00000001
CALL delay_100ms
RLF PORTB,f
GOTO LOOP
GOTO $ ; dung chuong trinh tai day
; vong lap tai cho^~
; khong bao gio ket thuc
delay_100ms ; label bat dau chuong trinh con
MOVLW d'100' ; doan code cho chuong trinh con delay 100 ms
MOVWF count1
d1
MOVLW d'199'
MOVWF counta
MOVLW d'1'
MOVWF countb
delay_0
DECFSZ counta,f
GOTO $+2
DECFSZ countb,f
GOTO delay_0
DECFSZ count1,f
GOTO d1
RETURN
END


và các lỗi nhận cược nhu sau
Make: The target "E:\pic1\baitap2.o" is out of date.
Executing: "C:\Program Files\Microchip\MPASM Suite\MPAsmWin.exe" /q /p16F628A "baitap2.asm" /l"baitap2.lst" /e"baitap2.err" /o"baitap2.o"
Warning[215] E:\PIC1\BAITAP2.ASM 18 : Processor superseded by command line. Verify processor symbol.
Message[302] E:\PIC1\BAITAP2.ASM 32 : Register in operand not in bank 0. Ensure that bank bits are correct.
Error[113] E:\PIC1\BAITAP2.ASM 54 : Symbol not previously defined ( )
Error[112] E:\PIC1\BAITAP2.ASM 54 : Missing operator
Error[113] E:\PIC1\BAITAP2.ASM 57 : Symbol not previously defined (f )
Error[113] E:\PIC1\BAITAP2.ASM 58 : Symbol not previously defined (d1 )
Halting build on first failure as requested.
BUILD FAILED: Sat Aug 12 18:02:25 2006

namqn
12-08-2006, 09:41 PM
Chương trình này không có lỗi cú pháp, tất nhiên cái warning về bộ xử lý do MPLAB chọn tại dòng lệnh và cái message về thanh ghi không nằm trong bank 0 là hợp lý. Tôi cho là bạn đang gặp khó khăn trong việc biên dịch chương trình. Nhân tiện bạn cho biết bạn đang dùng MPLAB phiên bản nào.

Với các bản MPLAB IDE mới, cách đơn giản để bạn biên dịch chương trình chỉ gồm 1 tập tin .asm là chọn loại bộ xử lý cho đúng trong mênu "Configure", lệnh "Select Device ...", sau đó bạn chọn trong mênu "Project" lệnh "Quickbuild <tentaptin.asm>", với <tentaptin.asm> là tập tin .asm mà bạn đang soạn thảo (nó đã được mở ra và đang active).

Thân,

BVT_BK
13-08-2006, 03:28 PM
O Day Cac Bac Noi Ve Cach Dung Pic Co Ban Nhat
Nhung Nhung Ung Dung Khac Thi Chua Thay Cac Bac De Cap Nhieu
Hi Vong Cac Bac Post Them Nhieu De Anh Em Ta Cung Hoc Nhanh Hon
Vi Du Nhu Timer0, 1, 2
Truyen Thong Du Lieu
Pwm...
Thank You

BVT_BK
13-08-2006, 03:31 PM
Cac Bac Toan Viet Delay Nho Decfsz A
Cai Lay Dung Cung Duoc
Nhung Ma Thoi Gian De Lay Khong Chinh Xac Lam
Em Thu Dung Timer0 Cua 16f877a De Tao Tre
Nhung Ma Tim Mai Khong Thay Lenh Khoi Dong Timer0 Dau
Bac Nao Viet Chuong Trinh Tao Tre Nho Timer0 Thi Chi Cho Em Voi
Hinh Nhu Voi Con Pic877a No Tu Khoi Dong Timer0 Hay Sao Day
Bac Nao Ro Thi Giup Em Voi
Thank You!

vudinhlieu
14-08-2006, 04:47 PM
rất cám ơn trưởng lão !

tinhthanthep
16-08-2006, 11:29 AM
Nếu mẫu khai báo biến như faleaf trình bày bên trên không tối ưu thì mong bác namp viết lại cho chuẩn. Đây là mẫu khai báo biến của faleaf:
;================================================= ========
; KHAI BAO BIEN
;--------------
; Bien nam o bank 0
;----------------------------------------------------------------------
ORG 0x020
COUNT_L RES 1
COUNT_H RES 3
;----------------------------------------------------------------------
; BiEn NAM O bank 1
;----------------------------------------------------------------------
ORG 0x0A0
COUNT1_L RES 1
;----------------------------------------------------------------------
; Bien nam o bank 2
;----------------------------------------------------------------------
ORG 0x120
;================================================= =======
2. Trong chuong trình ngắt theo tôi chỉ cần lưu giá trị của thanh ghi W và STATUS vì thanh ghi PC đã được lưu trong stack. Đồng thời trong quá trình xử lý 1 ngắt thì bit toàn cục GIE đã bị clear nên sẽ không có ngắt nào khác hoạt động được nữa lên không sợ tràn stack.
3. Ở cuối chuong trình ngắt không cần phải set bit GIE vì khi ra khỏi chương trình ngắt thì bit GIE tự động được set lên. Chỉ phải clear flag trước khi ra khỏi chương trình ngắt.

newuser
16-08-2006, 11:52 AM
2. Trong chuong trình ngắt theo tôi chỉ cần lưu giá trị của thanh ghi W và STATUS vì thanh ghi PC đã được lưu trong stack. Đồng thời trong quá trình xử lý 1 ngắt thì bit toàn cục GIE đã bị clear nên sẽ không có ngắt nào khác hoạt động được nữa lên không sợ tràn stack.

Đồng ý với tinhthanthep ở những điểm còn lại trừ điểm trên, theo tôi thì phải lưu giữ cả thanh ghi PCLATH, theo datasheet của P16F877A nói là PCLATH sẽ không bị thay đổi giá trị ngay sau lệnh RETFIE, giả sử chương trình ngắt của bạn đặt tại Page2, vậy thì khi trở về từ ngắt, liệu có đảm bảo chương trình của bạn sẽ chạy đúng???
vì thế không cần lưu trữ giá trị thanh ghi PCLATH chỉ chính xác với những dòng PIC có bộ nhớ chương trình <=2K (2^11=2048 địa chỉ).

tinhthanthep
16-08-2006, 02:59 PM
Các bác cho hỏi trong khi thực hiện chương trình ngắt ta thường lưu giá trị các thanh ghi W và status vào địa chỉ 0x70, 0x71.... Mấy cái địa chỉ này nằm ở bank 0. Nhưng nếu khi vào chương trình ngắt mà ta đang ở bank 1 thì sao nhỉ? Theo tôi hiểu là trước khi lưu giá trị thanh ghi W và STATUS ta phải chuyển về bank 0 trước đúng không? nhưng tôi thấy các chương trình ngắt viết mẫu đều không thấy làm điều này? Hình như nó tự động hiểu được à? Các bác có thể giải thích cái địa chỉ ghi tạm giá trị thanh ghi W, status được không?

tinhthanthep
16-08-2006, 04:27 PM
Tiện thể hỏi thêm một câu nữa: để chuyển giá trị các thanh ghi đặc biệt vào các thanh ghi lưu trữ thì chỉ cần dùng các lệnh mov là được sao thấy trong tài liệu hướng dẫn và cũng thấy một số bạn trên này hay dùng lệnh swapf?

namqn
16-08-2006, 08:28 PM
Tiện thể hỏi thêm một câu nữa: để chuyển giá trị các thanh ghi đặc biệt vào các thanh ghi lưu trữ thì chỉ cần dùng các lệnh mov là được sao thấy trong tài liệu hướng dẫn và cũng thấy một số bạn trên này hay dùng lệnh swapf?
Lệnh swapf không làm thay đổi cờ Z, còn lệnh movf thì làm thay đổi cờ Z. Nếu trước đó bạn đã phục hồi thanh ghi STATUS, sau đó bạn phục hồi thanh ghi khác bằng lệnh movf thì cờ Z có thể bị đổi trạng thái, lúc đó có phải việc phục hồi thanh ghi STATUS trở thành công cốc hay không?

Thân,

namqn
16-08-2006, 08:48 PM
Các bác cho hỏi trong khi thực hiện chương trình ngắt ta thường lưu giá trị các thanh ghi W và status vào địa chỉ 0x70, 0x71.... Mấy cái địa chỉ này nằm ở bank 0. Nhưng nếu khi vào chương trình ngắt mà ta đang ở bank 1 thì sao nhỉ? Theo tôi hiểu là trước khi lưu giá trị thanh ghi W và STATUS ta phải chuyển về bank 0 trước đúng không? nhưng tôi thấy các chương trình ngắt viết mẫu đều không thấy làm điều này? Hình như nó tự động hiểu được à? Các bác có thể giải thích cái địa chỉ ghi tạm giá trị thanh ghi W, status được không?
Tôi dịch phần hướng dẫn của Microchip về lưu ngữ cảnh khi ngắt (lấy từ datasheet của PIC16F87xA):

Khi xử lý ngắt, chỉ có giá trị trở về của PC được lưu vào ngăn xếp. Thông thường, người dùng có thể muốn lưu các thanh ghi chính khi xử lý ngắt (nghĩa là thanh ghi W và thanh ghi STATUS). Điều này phải được thực hiện bằng phần mềm.

Với các chip PIC16F873A/874A, thanh ghi W_TEMP phải được định nghĩa trong cả bank 0 lẫn bank 1 và phải được định nghĩa ở cùng offset từ địa chỉ nền của bank (nghĩa là, nếu W_TEMP được định nghĩa tại 0x20 trong bank 0, nó cũng phải được định nghĩa tại 0xA0 trong bank 1). Các thanh ghi PCLATH_TEMP và STATUS_TEMP chỉ được định nghĩa trong bank 0.

Vì có tối đa 16 byte của mỗi bank (người dịch: địa chỉ 0x70-0x7F) là được dùng chung trong các chip PIC16F876A/877A, các thanh ghi tạm nên được đặt ở đây. 16 ô nhớ này không cần chuyển bank và do đó sẽ làm cho việc lưu và phục hồi ngữ cảnh dễ dàng hơn.

Hy vọng là bạn đã nắm được các lý do khiến chương trình mẫu được viết như vậy.

Thân,

tinhthanthep
16-08-2006, 09:29 PM
Bây giờ thì đã thông. Thanks namqn

newuser
18-08-2006, 12:14 PM
Trong P16F877A, một vài thanh ghi SFR có mặt trong cả 4 bank như: PCL, FSR, STATUS, PCLATH... như thế giá trị của chúng sẽ được tham chiếu qua lại và ta đều có thể truy cập đến mà không cần quan tâm đến vị trí bank hiện tại. Việc lưu trữ giá trị thanh ghi Status theo em chỉ có ý nghĩa đối với các bit cờ C, DC, Z,PD\ và TO\ thôi, còn các bit chọn bank thì không cần vì mỗi khi cần truy cập đến thanh ghi nào thì chỉ cần banksel thanhghi là ổn, hoặc có thói quen luôn có dòng page0 mỗi khi hoàn thành việc truy cập đến SFR.
riêng về PCLATH thì dòng note trang 30/phần PCL và PCLATH đã có chú ý rồi.
còn phần này:
Vì có tối đa 16 byte của mỗi bank (người dịch: địa chỉ 0x70-0x7F) là được dùng chung trong các chip PIC16F876A/877A, các thanh ghi tạm nên được đặt ở đây. 16 ô nhớ này không cần chuyển bank và do đó sẽ làm cho việc lưu và phục hồi ngữ cảnh dễ dàng hơn.
như thế theo em hiểu thì giá trị nằm trong các thanh ghi ở địa chỉ này cũng có khả năng tham chiếu qua lại? sao trogn datasheet em không thấy nói đến nhỉ? Anh Nam có thể giải thích dùm em được không?

namqn
18-08-2006, 07:35 PM
Cái này được dịch từ datasheet của PIC16F87xA mà em, có điều em tìm ở chỗ không có nói, còn chỗ này có nói đến nó thì có lẽ em chưa tìm. Nó nằm ở mục 14.12 của DS39582B, trang 154.

Thân,

leduy173
24-08-2006, 02:18 AM
em đang làm chớp tắt trên led bằng TMR0 ;ngõ ra là porta ;sao khi làm em thấy 1 số lệnh như Comf portA và incf portA khi thực hiện nó ko xuất ra portA dc, muốn thực hiện điều đó thì em phải tác động qua 1 thanh ghi trung gian sau đó mới chuyển giá trị từ thanh ghi trung gian đó vào portA thì nó mới hiển thị!!!không hiểu tai sao lun!!!mong được chỉ thêm!

newuser
24-08-2006, 05:15 PM
em đang làm chớp tắt trên led bằng TMR0 ;ngõ ra là porta ;sao khi làm em thấy 1 số lệnh như Comf portA và incf portA khi thực hiện nó ko xuất ra portA dc, muốn thực hiện điều đó thì em phải tác động qua 1 thanh ghi trung gian sau đó mới chuyển giá trị từ thanh ghi trung gian đó vào portA thì nó mới hiển thị!!!không hiểu tai sao lun!!!mong được chỉ thêm!
bạn viết hai lệnh đó không có thêm chỉ số nào đằng sau thanhghi à? nếu tôi nhớ không lầm thì chương trình biên dịch sẽ tự hiểu là bạn đang ghi giá trị đó vào thanh ghi W (bạn kiểm tra lại dùm)
COMF PORTA; lấy bù PORTA rồi ghi giá trị này vào W, giá trị PORTA không thay đổi.
bạn sửa lại như thế này: COMF PORTA,F; lấy bù PORTA rồi ghi vào chính nó.
và nhớ thiết lập PORTA là ngõ xuất:
MOVLW H'FF'; W=0xFF
MOVWF TRISA
chắc bạn đang tư duy theo tập lệnh 8051 nên mới thế

namqn
24-08-2006, 07:01 PM
bạn viết hai lệnh đó không có thêm chỉ số nào đằng sau thanhghi à? nếu tôi nhớ không lầm thì chương trình biên dịch sẽ tự hiểu là bạn đang ghi giá trị đó vào thanh ghi W (bạn kiểm tra lại dùm)
COMF PORTA; lấy bù PORTA rồi ghi giá trị này vào W, giá trị PORTA không thay đổi.
bạn sửa lại như thế này: COMF PORTA,F; lấy bù PORTA rồi ghi vào chính nó.
và nhớ thiết lập PORTA là ngõ xuất:
MOVLW H'FF'; W=0xFF
MOVWF TRISA
chắc bạn đang tư duy theo tập lệnh 8051 nên mới thế
Không đúng vậy đâu newuser, mặc định là ghi vào thanh ghi f. Vấn đề ở đây là hoạt động read-modify-write của các lệnh thao tác dữ liệu như COMF, BSF chẳng hạn. Lấy ví dụ, khi dùng lệnh COMF PORTA, PIC sẽ đọc trạng thái từ PORTA trước, lấy bù giá trị đó, và xuất ra PORTA. Do đó nếu dùng PORTA nối vào các LED đã được nối theo kiểu anode chung (nghĩa là PORTA xuất 0x00 để làm cho tất cả các LED sáng) thì khi đó PIC đọc vào sẽ được 0xFF, và sau đó COMF sẽ có 0x00, các LED sẽ sáng. Đến lần chạy lênh COMF kế tiếp thì tình trạng vẫn diễn ra như vậy, khiến chúng ta nghĩ rằng lệnh không tác động lên PORTA được.

Vấn đề sẽ không xảy ra nếu bạn dùng một ô nhớ để lưu trạng thái của PORTA, khi đó bạn sẽ thao tác trạng thái của PORTA thông qua biến trung gian, và không bị ảnh hưởng của hoạt động read-modify-write (vì ô nhớ không bị ảnh hưởng của hoạt động này).

Bạn newuser viết nhầm chỗ thanh ghi TRISA luôn, để PORTA là các ngõ ra thì phải đặt TRISA = 0x00.

Thân,

leduy173
25-08-2006, 12:32 AM
bạn newuser ah mình cũng đã đặt portA la output và cũng đặt các đích nguồn của lệnh comf là thanh ghi F mà vẫn bị như vậy!
Anh namqn có thể nói rõ hơn về vấn đề đó ko , và những lệnh nào bi ảnh hưởng theo kiểu đó , nếu em ko lầm thì chỉ có những lệnh toán học thôi phải ko?phải bắt buộc phải thao tác qua thanh ghi trung gian như để có thể có kết quả hiển thị trên các port khi mình thao tác trực tiếp trên nó sao ???

namqn
28-08-2006, 11:54 PM
bạn newuser ah mình cũng đã đặt portA la output và cũng đặt các đích nguồn của lệnh comf là thanh ghi F mà vẫn bị như vậy!
Anh namqn có thể nói rõ hơn về vấn đề đó ko , và những lệnh nào bi ảnh hưởng theo kiểu đó , nếu em ko lầm thì chỉ có những lệnh toán học thôi phải ko?phải bắt buộc phải thao tác qua thanh ghi trung gian như để có thể có kết quả hiển thị trên các port khi mình thao tác trực tiếp trên nó sao ???
Ví dụ như vậy là rõ lắm rồi, làm sao nói rõ hơn được. Về các lệnh thuộc loại read-modify-write thì đoạn trích sau đây từ tài liệu của Microchip đã nói (mặc dù vẫn không liệt kê hết các lệnh):
Actually, any instruction that depends on a value currently in the register is going to be a Read-Modify-Write instruction. This includes ADDWF, SUBWF, BCF, BSF, INCF, XORWF, etc... Instructions that do not depend on
the current register value, like MOVWF, CLRF, and so on are not R-M-W instructions.

Tạm dịch: Thực tế, bất kỳ lệnh nào phụ thuộc vào một giá trị hiện hành trong một thanh ghi sẽ là một lệnh Read-Modify-Write (R-M-W). Điều này bao gồm các lệnh ADDWF, SUBWF, BCF, BSF, INCF, XORWF, v.v... Các lệnh không phụ thuộc vào giá trị hiện hành của thanh ghi, như MOVWF, CLRF, và tương tự thì không phải là các lệnh R-M-W.

Thân,

duylinh28
19-10-2006, 01:05 PM
aho em hoi chut. bao gio co lop hoc pic moi day ? Neu ai biet thi nhan cho em qua dia chi sau khungbohanhtinh2000. thanks

tranhuyky
17-12-2006, 11:29 PM
À, anh xem lướt qua nên không phát hiện lỗi ở lần đầu.

Phần khai báo của bạn friends dịch không có lỗi, nhưng chạy chương trình sẽ bị sai (vì các địa chỉ biến được đặt không đúng). Toàn bộ 4 biến đó đều sẽ có địa chi 0x20. Bạn friends cần phải chỉnh lại như sau thì mới có chương trình đúng:
Org 0x20
W_SAVE res 1
STAT_SV res 1
PCH_SV res 1
FSR_SV res 1
ORG 0X0000

Giải thích thêm về phần này. Directive org chỉ làm thay đổi bộ đếm địa chỉ của trình hợp dịch. Với đoạn code như trên, chúng ta sẽ có W_SAVE là nhãn ở địa chỉ 0x20, STAT_SV là nhãn ở địa chỉ 0x21, và cứ thế. Từ khóa res và giá trị 1 sẽ làm bộ đếm địa chỉ tăng 1 đơn vị. Cách này không hay vì các địa chỉ biến thực chất là địa chỉ của các nhãn được hiểu là sẽ được dùng làm đích của các lệnh chuyển điều khiển (hay nói cách khác chúng là các địa chỉ của các từ lệnh), nếu dùng chúng trong các PIC18 chẳng hạn thì sẽ bị sai (vì các từ lệnh cách nhau 2 byte, và PIC18 dùng địa chỉ byte).

Thân,
Theo lời bác namqn nói cách dùng org không hay nếu chuyển sang PIC18 thì sai, em cũng thử rồi, làm như vậy phải sửa lại nhiều. Xin hỏi các bác có cách nào hay hơn không? cảm ơn các bác.

giaosucan
18-12-2006, 10:29 PM
xin hỏi 1 tí ,tui có 1 con 18F45 có thể dùng mạch của 16F877 cho con này dc ko ,vì tui chưa tìm dc sơ đồ mạch của chon 18F45

namqn: theo tôi biết thì không có PIC18 nào có số hiệu là PIC18F45, do đó câu hỏi của bạn chưa rõ ràng.

binhdt04
28-05-2007, 12:25 AM
minh khong dao duoctai lieu cacban goi cho monh duockhong minh cam on nhieu lam
binhdt04@yahoo.com

tranvanthuong
28-05-2007, 08:46 AM
chương trình em viet đề điều khiển 4 led chớp tắt và dùng ngắt RB để kết hợp điều chỉnh tốc độ không biết tại sao chương trình không chạy rồi có khi chạy rút nguồn ra ghim lại thì chương trình không chay nhờ các anh chỉ giúp
chương trình em viet như sau:

include "E:\ccs c\chuong_trinh_ccsc\banh_kem_duc_thanh\chuong_trin h.h"
#int_RB
RB_isr()
{
int8 y;
disable_interrupts(INT_RB);
disable_interrupts(GLOBAL);

if ( input(PIN_B6) ) //tang gia tri trong o nho
{
y = read_eeprom(0x00);
y = y + 20;
write_eeprom (0x00,y);
}

if ( input(PIN_B7) ) //giam gia tri trong o nho
{

y = read_eeprom(0x00);
y = y - 20;
write_eeprom (0x00,y);
}

delay_ms(1000);

enable_interrupts(GLOBAL);
enable_interrupts(INT_RB);

}
//===========CAC CHUONG TRINH CON==============



void tao_tre(int16 x);




//============================================



void main()
{ int8 x=10,y;


output_B(0x00);
output_A(0x00);
enable_interrupts(INT_RB);
enable_interrupts(GLOBAL);




while(1)
{
output_high(pin_B0);
tao_tre(1);
output_low(pin_B0);
tao_tre(1);

output_high(pin_B1);
tao_tre(1);
output_low(pin_B1);
tao_tre(1);

output_high(pin_B2);
tao_tre(1);
output_low(pin_B2);
tao_tre(1);

output_high(pin_B3);
tao_tre(1);
output_low(pin_B3);
tao_tre(1);

output_low(pin_B0);
output_low(pin_B1);
output_low(pin_B2);
output_low(pin_B3);
tao_tre(1);

output_high(pin_B0);
output_high(pin_B1);
output_high(pin_B2);
output_high(pin_B3);
tao_tre(1);

output_low(pin_B0);
output_low(pin_B1);
output_low(pin_B2);
output_low(pin_B3);
tao_tre(1);


}
}
//============================================

void tao_tre(int16 x)
{
int16 z,i;

z = x + read_eeprom (0x00);
delay_ms(100);
for(i=0;i<z;++i)
delay_ms(2);

}

//===========================================
và file.h
#include <16F84A.h>

#FUSES NOWDT,NOPUT,PROTECT //No Watch Dog Timer
#FUSES HS
#use delay(clock=10000000)

falleaf
28-05-2007, 08:57 AM
Thử xem lại việc quản lý các cờ ngắt.

Chúc vui

tranvanthuong
28-05-2007, 09:17 AM
HIC HIC, anh nào giup em di

tranvanthuong
28-05-2007, 09:19 AM
a anh ơi~! em viết chạy ổn rồi ne!


#include "E:\ccs c\chuong_trinh_ccsc\banh_kem_duc_thanh\chuong_trin h.h"
#int_RB
RB_isr()
{
int8 y;
disable_interrupts(INT_RB);
disable_interrupts(GLOBAL);


if ( input(PIN_B6) ) //tang gia tri trong o nho
{
y = read_eeprom(0x00);
if(y<244)
{
y = y + 10;
write_eeprom (0x00,y);
}
}


if ( input(PIN_B7) ) //giam gia tri trong o nho
{

y = read_eeprom(0x00);
if(y>10)
{
y = y - 10;
write_eeprom (0x00,y);
}
}


delay_ms(50);


enable_interrupts(GLOBAL);
enable_interrupts(INT_RB);

}
//===========CAC CHUONG TRINH CON==============



void tao_tre(int8 x);




//============================================



void main()
{


output_B(0x00);
output_A(0x00);
enable_interrupts(INT_RB);
enable_interrupts(GLOBAL);




while(1)
{
output_high(pin_B0);
tao_tre(1);
output_low(pin_B0);
tao_tre(1);

output_high(pin_B1);
tao_tre(1);
output_low(pin_B1);
tao_tre(1);

output_high(pin_B2);
tao_tre(1);
output_low(pin_B2);
tao_tre(1);

output_high(pin_B3);
tao_tre(1);
output_low(pin_B3);
tao_tre(1);

output_low(pin_B0);
output_low(pin_B1);
output_low(pin_B2);
output_low(pin_B3);
tao_tre(1);

output_high(pin_B0);
output_high(pin_B1);
output_high(pin_B2);
output_high(pin_B3);
tao_tre(1);

output_low(pin_B0);
output_low(pin_B1);
output_low(pin_B2);
output_low(pin_B3);
tao_tre(1);


}
}
//============================================

void tao_tre(int8 x)
{
int8 z,i;

z = x + read_eeprom (0x00);
delay_ms(100);
for(i=0;i<z;++i)
delay_ms(2);

}

//===========================================

Dolphin
15-07-2007, 05:52 PM
+ Cho em hỏi về phần nút bấm với điện trở kéo lên. Khi bấm thì chân ở mức thấp (ok); khi ko bấm thì lam sao biết được trạng thái của chân? (do chân mắc với nguồn qua điện trở nên điện áp ở chân ko biết xác định thế nào, vẫn có thể là H hoặc L).
+ Đặt chân là input với điện áp là 0. Nếu nối chân đó với nguồn 5V thì nó sẽ chuyển từ 0-->5V và dòng điện sẽ chạy từ nguồn vào chân Pic? Còn nếu là output thì sao dòng điện sẽ chạy đi đâu?
Mấy cái này em vẫn chưa thông lắm...

namqn
15-07-2007, 10:03 PM
+ Cho em hỏi về phần nút bấm với điện trở kéo lên. Khi bấm thì chân ở mức thấp (ok); khi ko bấm thì lam sao biết được trạng thái của chân? (do chân mắc với nguồn qua điện trở nên điện áp ở chân ko biết xác định thế nào, vẫn có thể là H hoặc L).
+ Đặt chân là input với điện áp là 0. Nếu nối chân đó với nguồn 5V thì nó sẽ chuyển từ 0-->5V và dòng điện sẽ chạy từ nguồn vào chân Pic? Còn nếu là output thì sao dòng điện sẽ chạy đi đâu?
Mấy cái này em vẫn chưa thông lắm...
1. Thông thường, người ta dùng điện trở vài k để kéo lên cho nút bấm, còn ngõ vào của PIC thì có tổng trở vào khá lớn (hàng megaohm). Do đó, nếu bấm nút thì điện áp đặt vào ngõ vào là 0V, còn không bấm nút thì điện áp đặt vào ngõ vào là điện áp ở điểm giữa của mạch phân áp, với 5V đi qua trở kéo lên, rồi đến điện trở vào hàng megaohm của PIC. Như vậy áp tại ngõ vào của PIC sẽ xấp xỉ 5V, tức là mức cao.

2. Câu này bạn hỏi không rõ ràng: 'Còn nếu là output thì sao dòng điện sẽ chạy đi đâu?'. Nếu bạn muốn biết khi bạn xuất mức cao hay thấp thì dòng điện sẽ chạy ra sao thì câu trả lời thế này: khi bạn xuất mức cao, MOSFET phía cao của cặp transistor ngõ ra sẽ dẫn, do đó ngõ ra là gần bằng 5V và PIC cấp dòng cho tải, nếu có tải thì tùy theo dòng tải mà điện áp ở ngõ ra sẽ bị giảm nhiều hay ít do áp rơi trên MOSFET phía cao. Khi bạn xuất mức thấp, MOSFET phía thấp của cặp transistor ngõ ra sẽ dẫn, do đó ngõ ra là gần bằng 0V và PIC rút dòng từ tải xuống Vss, nếu có tải thì tùy theo dòng tải mà điện áp ở ngõ ra sẽ cao hơn Vss nhiều hay ít do áp rơi trên MOSFET phía thấp. Bạn xem thêm mục I/O Ports trong các datasheet của chip sẽ thấy họ vẽ cấu trúc của ngõ ra.

Thân,

vodka1505
30-03-2008, 07:26 PM
- Bác nào rảnh giải thích giúp em cái hàm Delay này cái:
Delay
Movlw d’250’
Movwf count1
D1
Movlw 0xc7
Movwf counta
Movlw 0x01
Movwf countb
Delay_0
Decfsz counta, f
Goto $+2
Decfsz countb, f
Goto Delay_0
Decfsz count1, f
Goto D1
Return
- em chưa hiểu về cái lệnh này "Goto $+2"?
- và lệnh "Goto Delay_0" với "Goto D1" thì có gì khác nhau? em thấy trong một số hàm Delay người ta chỉ dùng có lệnh "Goto Delay_0"
Em xin cảm ơn rất nhiều.

namqn
30-03-2008, 07:55 PM
$ là địa chỉ lệnh hiện hành, $ + 2 là ô nhớ lệnh cách vị trí hiện hành 2 đơn vị.

Với ví dụ trên của bạn (giả sử viết cho PIC16), lệnh GOTO $ + 2 dùng để chuyển điều khiển đến lệnh GOTO Delay_0 nếu sau khi giảm biến counta kết quả vẫn khác 0 (tức là nếu sau khi giảm counta mà counta vẫn khác 0 thì bỏ qua lệnh giảm countb).

Đoạn chương trình trên dùng 3 biến đếm, do đó nếu cập nhật counta, rồi countb, thì sẽ đến lượt count1 được cập nhật. Do đó cần dùng các nhãn Delay_0 hay D1 cho các lệnh GOTO một cách thích hợp.

Thân,

vodka1505
31-03-2008, 08:51 PM
- Cảm ơn anh Nam đã giúp đỡ:
em viết hàm delay như này được không? và hai cái này khác nhau ở chỗ nào?

Delay
Movlw d’250’
Movwf count1
Movlw 0xc7
Movwf counta
Movlw 0x01
Movwf countb
Delay_0
Decfsz counta
Goto Delay_0
Decfsz countb
Goto Delay_0
Decfsz count1
Goto Delay_0
Return

vnchampion
13-04-2008, 03:26 PM
Chài khó hiểu quá mấy bác ơi

thaile
13-04-2008, 09:35 PM
PIC16 thì em không biết nhưng với PIC18F4580 thì không cần lưu lại giá trị của PCLATH :
1>Bình thường nếu không có tác động trực tiếp thì thanh ghi PCLATH sẽ không thay đổi giá trị, kể cả khi PC thay đổi từ địa chỉ 0xFF đến 0x100. Lúc đó PCL=00 và PCLATH=00. ( Kết quả có được nhờ giả lập MPLAB SIM)
2>Sau lenh RETIF hoặc RET thì chương trình đọc PC từ Stack (TOSL, TOSH, TOSU). Lúc này PC sẽ được phục hồi như ngay tại thời điểm gặp ngắt, hoặc lệnh CALL. Nhưng PCLATH vẫn không bị thay đổi nếu không có lệnh tác động trực tiếp (chẳng hạn MOVWF PCLATH)
3>Thanh ghi PCLATH chỉ có tác dụng khi ta tác động ghi lên thanh ghi PCL, chẳng hạn:
+ với PCLATH=1 thì lệnh MOVWF PCL sẽ làm cho PC=0x100 ( với WREG=0)

Nói túm lại bình thường PC không tham khảo đến thanh ghi PCLATH, chỉ khi có tác động ghi trực tiếp lên thanh ghi PCL thì PC mới tham khảo đến nó. Theo em thấy thì khi sử dụng bảng mới thực sự cần đến thanh ghi PCLATH

Em là Newbie, có sai sót gì thì nhẹ nhàng chỉ bảo em ^^

tuanlq14
14-04-2008, 05:44 PM
co thể chạy chương trinh MPLAB ngay trong CCS C không
co thể vừa viết MPLAB và CCS C cung trong CCS C không

namqn
14-04-2008, 08:30 PM
co thể chạy chương trinh MPLAB ngay trong CCS C không
co thể vừa viết MPLAB và CCS C cung trong CCS C không
MPLAB IDE là môi trường phát triển tích hợp, CCS C là một trình biên dịch. Do đó, nói ngược lại thì đúng hơn, nghĩa là có thể nhúng CCS C vào MPLAB IDE.

Bản thân CCS cũng có IDE. Tuy nhiên, IDE của CCS không hỗ trợ các trình biên dịch của Microchip (MPLAB C18, MPLAB C30, MPLAB C32).

Thân,

vodka1505
19-04-2008, 04:36 PM
;================================================= =============================================
;KHOI TAO VI DIEU KHIEN
TITLE "TUTORIAL_1"
PROCESSOR P16F628A
INCLUDE <P16F628A.INC>
__CONFIG _CP_OFF&_PWRTE_OFF&_WDT_ON&_HS_OSC
;================================================= =============================================
;PHAN DAT BIEN
ORG 0x20
COUNT1 RES 1
COUNTA RES 1
COUNTB RES 1
;================================================= =============================================
ORG 0x0000
GOTO MAIN
ORG 0x0005
MAIN
; MOVLW 0x07 ;CHUYEN 0000 0111 VAO THANH GHI W
; MOVWF CMCON ;TAT THANH GHI SO SANH

BANKSEL TRISB
CLRF TRISB

BANKSEL PORTB
CLRF PORTB

LOOP
MOVLW B'11111111' ;W = 1111 1111
MOVWF PORTB ;SANG CAC LED
CALL DELAY ;GOI HAM TAO TRE

MOVLW B'00000000' ;W = 0000 0000
MOVWF PORTB ; TAT LED
CALL DELAY ;GOI HAM TAO TRE

MOVLW B'11111111' ;W = 1111 1111
MOVWF PORTB ;
CALL DELAY ;GOI HAM TAO TRE

MOVLW B'00000000' ;W = 0000 0000
MOVWF PORTB
CALL DELAY ;GOI HAM TAO TRE

MOVLW B'11111111' ;W = 1111 1111
MOVWF PORTB ;
CALL DELAY ;GOI HAM TAO TRE

MOVLW B'00000000' ;W = 0000 0000
MOVWF PORTB
CALL DELAY ;GOI HAM TAO TRE

MOVLW B'11111111' ;W = 1111 1111
MOVWF PORTB ;
CALL DELAY ;GOI HAM TAO TRE

MOVLW B'10000000'
MOVWF PORTB
LOOP_1
CALL DELAY
BCF STATUS, C
RRF PORTB
BTFSS STATUS, C
GOTO LOOP_1

MOVLW B'00000001'
MOVWF PORTB
LOOP_2
CALL DELAY
BCF STATUS,C
RLF PORTB
BTFSS STATUS,C
GOTO LOOP_2

MOVLW B'11000000'
MOVWF PORTB
CALL DELAY

MOVLW B'11100000'
MOVWF PORTB
CALL DELAY

MOVLW B'11110000'
MOVWF PORTB
CALL DELAY

MOVLW B'11111000'
MOVWF PORTB
CALL DELAY

MOVLW B'11111100'
MOVWF PORTB
CALL DELAY

MOVLW B'11111110'
MOVWF PORTB
CALL DELAY

MOVLW B'11111111'
MOVWF PORTB
CALL DELAY

GOTO LOOP ;GO BACK AND DO IT AGAIN
;================================================= =============================================
;CHUONG TRINH CON
;----------------------------------------------------------------------------------------------
DELAY
MOVLW D'255' ;
MOVWF COUNT1 ;COUNT1 = 255
MOVLW d'255' ;
MOVWF COUNTA
; MOVLW d'51'
; MOVWF COUNTB
DELAY_1
DECFSZ COUNT1 ;COUNT1 = COUNT1 - 1
GOTO DELAY_1 ;QUAY TRO LAI NHAN DELAY
; DECFSZ COUNTA ;COUNTA = COUNTA - 1
; GOTO DELAY_1
DECFSZ COUNTB
GOTO DELAY_1
RETURN
GOTO $
END


- Đoạn chương trình trên của em chạy rất tốt nếu khai báo dùng thạch anh nội của PIC, còn nếu em khai bao như trên ( dùng thạch anh ngoài) thì nó không chạy. cụ thể là các led không nháy, và chân rb4 của nó không có mức tín hiệu cao, mặc dù em đã set nó lên mức cao.
- Anh nào biết nó sai ở chỗ nào chỉ giúp em với. Mạch em dùng thạch anh 10Mhz, tụ gốm 33p.
Cảm ơn các anh nhiếu

vodka1505
21-04-2008, 08:20 AM
không có ai giúp mình sao? đang cần quá.

namqn
21-04-2008, 09:05 AM
Bạn đã khẳng định là chương trình chạy tốt rồi, chỉ có thay đổi thiết lập cấu hình từ bộ dao động nội sang thạch anh ngoài thôi. Như vậy có nhiều khả năng là thạch anh không dao động (đã có bạn gặp trường hợp là chân OSC2 bị hỏng, do đó chỉ dùng được cấu hình clock ngoài, không dùng được cấu hình thạch anh ngoài). Bạn cũng chú ý là bạn đang bật WDT, và trong code không hề có lệnh xóa WDT. Có khả năng là bạn tắt WDT khi chạy bằng bộ dao động nội, và bật WDT khi cấu hình lại để dùng thạch anh ngoài hay không?

Thân,

tam_pascal
22-04-2008, 08:46 AM
Bang chủ làm ơn cho hỏi: địa chỉ cổng b của 18f4550 là gì ?, mình tìm mãi không thấy nó ghi ở chỗ nào cả. Xin cảm ơn !!!

namqn
22-04-2008, 04:59 PM
Bang chủ làm ơn cho hỏi: địa chỉ cổng b của 18f4550 là gì ?, mình tìm mãi không thấy nó ghi ở chỗ nào cả. Xin cảm ơn !!!
Trong datasheet của PIC18F4550, bảng 5-1, có bản đồ bộ nhớ của vùng RAM dữ liệu. Thanh ghi TRISB có địa chỉ 0xF93, còn PORTB có địa chỉ 0xF81.

Thân,

bachelor
01-08-2008, 05:36 PM
Các bạn cần chú ý thêm, nếu phía trên chỗ biến ở băng 2, các bạn không đặt biến gì cả, thì các bạn cứ để nguyên như vậy, vì ngay bên dưới, các bạn đã đặt lại địa chỉ 0x0000, nó chẳng ảnh hưởng gì đến chương trình.

Cũng giống như, nếu bạn không viết gì ở đoạn ORG 0x0000 và GOTO MAIN, mà bạn để ngay dòng ORG 0x0005 thì chương trình vẫn chạy bình thường. Đơn giản là từ đoạn 0x0000 đến 0x0004, PIC sẽ không làm gì cả. Chúng tôi đang cố gắng từng bước hình thành cho bạn kết cấu chương trình viết bằng MPASM, mỗi ngày một hoàn thiện hơn, để các bạn nắm rõ lý do vì sao các chương trình được viết như vậy, và chúng ta cùng thống nhất với nhau ở điểm này khi viết chương trình. Nếu các bạn tin tưởng vào việc tạo ra một chuẩn viết chương trình MPASM cho Việt Nam, thì các bạn là người đang đặt nền móng cho nó. Tôi cũng có tham vọng này, cho nên các quy cách ký hiệu tôi cố gắng dùng một chuẩn thống nhất, và mong rằng các bạn cùng tôi làm việc này, để sau này tất cả mọi người khi làm việc cùng với nhau có thể hiểu và truyền tải ý tưởng một cách nhanh nhất.

Kể từ nay, các bạn đã biết cách đặt biến, biết cách viết phần khởi tạo, chúng ta sẽ chỉ còn bàn tới việc viết ở phần chương trình chính như thế nào nữa mà thôi.


;================================================= ===========================
ORG 0x0000
GOTO MAIN

ORG 0x0005
MAIN
BANKSEL TRISB
CLRF TRISB ; đặt portb là output

MOVLW D'255'
MOVWF COUNT_L ; COUNT_L là 1 byte

BANKSEL PORTB
LOOP BSF PORTB, 0
CALL DELAY
BCF PORTB, 0
CALL DELAY
GOTO LOOP

;================================================= ============================
; Các chương trình con
;================================================= ============================
DELAY DECFSZ COUNT_L, F
GOTO DELAY
RETURN

;================================================= ============================
GOTO $
END
;================================================= ============================


Các bạn vừa làm gì với đoạn chương trình trên?

Điểm thứ nhất các bạn nên chú ý, đó là việc tôi thêm phần các chương trình con vào trong phần chương trình chính. Phần cuối chương trình tôi vẫn luôn để là GOTO $ và kết thúc với lệnh END. Tạm thời các bạn cứ viết như vậy để khoá chương trình ở dòng GOTO $, khi chương trình nhảy đến đó, nó sẽ thực hiện vòng lặp vô cùng tại chỗ, còn lệnh END là lệnh bắt buộc.

Việc này giúp chúng ta phần tách rạch ròi phần chương trình con và chương trình chính để tránh nhầm lẫn. Bởi vì ở đây chúng ta mới bắt đầu các bài học cơ bản, cho nên tôi cho rằng các chương trình của các bạn viết là ngắn, nên chúng ta chưa đi xa hơn về việc phân bổ vị trí này. Các bạn chỉ đơn giản hiểu là chúng ta cần phải bỏ đoạn chương trình con ở đâu đó, và chúng ta nên tách thêm một phần nữa để dành riêng cho việc viết chương trình con. Việc làm này về sau sẽ rất có lợi, nhưng tạm thời chúng ta khoan bàn tới, và chúng ta cứ viết như vậy đã.

Phân tích về đoạn chương trình con này, chúng ta thấy chương trình con luôn bao gồm như sau:


[NHÃN]
các câu lệnh
RETURN


Lưu ý rằng ở trên, chúng ta gọi chương trình con CALL DELAY. Như vậy, việc gọi hàm được thực hiện bằng lệnh CALL [NHÃN].

Con trỏ chương trình sẽ nhảy về [NHÃN] được gọi. Nó thực hiện các lệnh nằm từ nhãn đó trở đi. Thực hiện cho đến khi gặp lệnh RETURN, nó sẽ quay trở về và thực hiện lệnh tiếp theo ngay bên dưới lệnh CALL. Ở đây, chúng ta gặp phải một vấn đề, đó là khái niệm Top of Stack. Tuy nhiên, chúng ta tạm gác nó lại cho bài học sau, còn bây giờ các bạn chỉ cần nắm được việc thực hiện lệnh CALL bao giờ cũng đi kèm với một nhãn. Con trỏ nhảy tới nhãn và thực hiện các lệnh bên trong đó, đến khi gặp lệnh RETURN thì nó nhảy trở về vị trí nằm sau lệnh CALL đó và thực hiện tiếp công việc đang làm.

Vì bỏ qua khái niệm Top of Stack, cho nên đề nghị các bạn không đặt ra câu hỏi nếu trong các lệnh thực hiện, nó lại có một lệnh CALL gọi đi chỗ khác thì làm thế nào? Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này ở phần sau.

Thế bên trong hàm DELAY chúng ta làm những gì?

Lưu ý rằng, ở trên chương trình chính, sau khi đã khởi tạo PORTB là ngõ output, các bạn thấy chúng ta đã ghi giá trị d'255' vào biến COUNT_L. Cách viết giá trị như sau:

b'11001010' để xác định số nhị phân
d'234' để xác định số thập phân
0xF3 để xác định số thập lục phân

Lưu ý:
Số nhị phân chỉ có các giá trị 0 và 1, và tối đa dài 8 bit. Số thập phân chỉ có thể có giá trị từ 0 đến 255, và số thập lục phân chỉ có giá trị từ 00 đến FF

Quay trở lại, biến COUNT_L đang mang giá trị 255.

Khi thực hiện hàm DELAY, các bạn thực hiện lệnh DECFSZ (DECrement File, Skip if Zero), có nghĩa là nó sẽ giảm giá trị của một thanh ghi nào đó một đơn vị. Nếu sau khi giảm xong, mà kết quả là 0, thì nó sẽ nhảy cách ra một ô nhớ trong bộ nhớ chương trình, và thực hiện lệnh tiếp theo đó. Nếu giá trị sau khi giảm một đơn vị chưa bằng 0, thì nó sẽ thực hiện lệnh liền kề với nó.

Như vậy, vòng lặp được thực hiện như sau:


COUNT_L = 255 (ở trên đã đặt)

DELAY COUNT_L = COUNT_L - 1
if COUNT_L <> 0
GOTO DELAY
if COUNT_L = 0
RETURN



Lệnh DECFSZ [File], F/W


Nếu phía sau dấu phẩy, chúng ta để W, thì kết quả sẽ lưu vào thanh ghi W, và [File] không thay đổi giá trị gì hết. Nhưng ở đây, chúng ta muốn thực hiện như đoạn mã giả ở trên, nên chúng ta phải để là F.

COUNT_L sẽ giảm dần từ 255 đến 1, trong quá trình đó nó cứ chạy lên DELAY, rồi giảm COUNT_L một đơn vị, xong lại nhảy về DELAY, lại thực hiện việc giảm 1 đơn vị của COUNT_L

Khi COUNT_L = 1 nó lại giảm 1 đơn vị, lúc này COUNT_L = 0. Và nó không thực hiện lệnh GOTO nữa, mà thay bằng lệnh NOP, sau đó nó thực hiện lệnh RETURN, có nghĩa là quay về lại lệnh CALL ở trên.

Như vậy, các bạn đã hiểu rõ hàm DELAY rồi. Nhưng quan trọng nhất là làm sao tính toán được thời gian hao tốn của đoạn vòng lặp này kể từ khi bắt đầu thực hiện lệnh CALL, vì thực ra chúng ta muốn là muốn biết chính xác thời gian thực hiện lệnh của nó.

Thời gian thực hiện của lệnh CALL DELAY là bao lâu?

Lệnh CALL khi thực hiện tốn 2 chu kỳ máy, như vậy chúng ta ghi chú là (2) ở đây.

Lệnh DECFSZ tốn 1 chu kỳ máy khi giá trị trả về khác 0. Như vậy, trong quá trình thực hiện giảm từ 255 xuống 1, nó thực hiện 255 - 1 = 254 lần. Mỗi lần thế này nó tốn 1 chu kỳ máy, chúng ta ký hiệu (254) ở đây.

Khi thực hiện lệnh GOTO, lệnh GOTO tốn 2 chu kỳ máy, vậy nó cũng thực hiện 254 lần, chúng ta ký hiệu (254 x 2 = 506) ở đây.

Khi COUNT_L = 1, nó vẫn thực hiện lệnh DECFSZ, vậy nó tốn thêm 1 chu kỳ máy nữa (1). Sau khi thực hiện lệnh này, kết quả trả về là 0, vậy nó sẽ thực hiện một lệnh NOP (1), và sau đó thực hiện lệnh RETURN, lệnh RETURN tốn 2 chu kỳ máy (2)

Kết quả:

(2) + (254) + (508) + (1) + (1) + (2) = 768 chu kỳ máy

Nếu chúng ta dùng thạch anh 10MHz, mỗi chu kỳ máy tốn 0.4 us, có nghĩa là lệnh CALL DELAY tốn:

768 * 0.4 us tức là khoảng 1/3000 giây.

Chúng ta khoan bàn đến việc xa hơn, vậy thì chúng ta đã biết cách tính thời gian hao tốn của hàm DELAY rồi. Nhưng nếu tính như thế này thì quá mất công, chúng ta có thể chuyển nó thành công thức cụ thể như sau:

CALL = 2

DELAY (COUNT_L) = [COUNT_L - 1] * (DECFSZ + GOTO) + 1 + 1

RETURN = 2

Các bạn nên nhớ công thức này để sau này phát triển lên tính các công thức khác.

Có lẽ hôm nay chúng ta tạm dừng bài học ở đây


Các bạn lưu ý, tôi có tính sai một đoạn phía trên, vì quáng gà hay sao đó, tính từ 255 xuống 1 giảm chỉ có 253 lần. Đúng là phải 254 lần. Như từ 2 giảm xuống 1 thì chỉ có 1 lần thôi. Xin thành thật cáo lỗi với các bạn.

trong ví dụ mẫu trên theo tôi có một chỗ không hợp lý, đó là việc để các hàm con (ở ví dụ là hàm delay) nằm trên dòng lệnh goto $. ở ví dụ này sẽ không có lỗi vì bản thân vòng lặp loop là vòng lặp vô hạn nên không có vấn đề gì. nếu không phải là vòng lặp vô hạn thì chương trình sẽ được thực hiện tiếp tục và các lệnh trong hàm con sẽ được thực hiện sau đó mới đến dòng lệnh goto $ vì vậy chương trình sẽ chạy sai.
theo tôi nên đặt các hàm con nằm giữa dòng lệnh goto $ và end
mạn phép bang chủ có mấy lời góp ý :D xin mọi người cho ý kiến !

namqn
01-08-2008, 07:21 PM
trong ví dụ mẫu trên theo tôi có một chỗ không hợp lý, đó là việc để các hàm con (ở ví dụ là hàm delay) nằm trên dòng lệnh goto $. ở ví dụ này sẽ không có lỗi vì bản thân vòng lặp loop là vòng lặp vô hạn nên không có vấn đề gì. nếu không phải là vòng lặp vô hạn thì chương trình sẽ được thực hiện tiếp tục và các lệnh trong hàm con sẽ được thực hiện sau đó mới đến dòng lệnh goto $ vì vậy chương trình sẽ chạy sai.
theo tôi nên đặt các hàm con nằm giữa dòng lệnh goto $ và end
mạn phép bang chủ có mấy lời góp ý :D xin mọi người cho ý kiến !
PIC là một bộ xử lý nhúng, và thông thường chỉ chạy chương trình ứng dụng duy nhất (ở đây không tính đến các RTOS nhé). Do đó, luôn luôn có một vòng lặp vô tận (vòng lặp chính) trong chương trình.

Do đó, mệnh đề "nếu không phải là vòng lặp vô hạn" của bạn chỉ có giá trị true khi chương trình cho PIC được viết tồi. Và cấu trúc của chương trình mẫu không có gì bất hợp lý.

Lệnh goto $ ngay phía trước directive end của chương trình mẫu vốn là một lệnh thừa. Việc đặt các chương trình con ở đâu trong chương trình hợp ngữ vốn không quan trọng, trừ một số trường hợp liên quan đến kỹ thuật bảng.

Lập trình cho PIC có một số điểm khác biệt so với lập trình cho PC, vì sự hạn chế tài nguyên cùng cấu trúc đặc biệt của PIC so với một máy vi tính (đa dụng).

Thân,

bachelor
02-08-2008, 01:11 AM
PIC là một bộ xử lý nhúng, và thông thường chỉ chạy chương trình ứng dụng duy nhất (ở đây không tính đến các RTOS nhé). Do đó, luôn luôn có một vòng lặp vô tận (vòng lặp chính) trong chương trình.

Do đó, mệnh đề "nếu không phải là vòng lặp vô hạn" của bạn chỉ có giá trị true khi chương trình cho PIC được viết tồi. Và cấu trúc của chương trình mẫu không có gì bất hợp lý.

Lệnh goto $ ngay phía trước directive end của chương trình mẫu vốn là một lệnh thừa. Việc đặt các chương trình con ở đâu trong chương trình hợp ngữ vốn không quan trọng, trừ một số trường hợp liên quan đến kỹ thuật bảng.

Lập trình cho PIC có một số điểm khác biệt so với lập trình cho PC, vì sự hạn chế tài nguyên cùng cấu trúc đặc biệt của PIC so với một máy vi tính (đa dụng).

Thân,

Đó, chính bản thân lệnh goto $ theo namqn đã là thừa, vậy nên phải sửa chg trình mẫu là đúng rồi :D
Tuy nhiên, theo tôi lệnh goto $ chỉ thừa trong trường hợp này thôi (trong vi dụ mẫu) còn trong một số trg hợp khác bản thân nó là một "vòng lặp vô hạn không làm gì cả " (kiểu như: while(TRUE) {}; ) thì lại không thừa. Chẳng hạn một chương trình không làm gì cả mà chỉ khởi tạo các giá trị ban đầu rồi chờ các sự kiện ngắt để phục vụ thì không thể coi đó là một chương trình tồi và lẽ đương nhiên là cần phải có một lệnh goto $ để tạo ra vòng lặp vô hạn (tất nhiên mọi người có thể nói là không cần lệnh goto $ mà dùng lệnh loop goto loop :))
Tất nhiên chương trình con thì đặt đâu mà chả được, nhưng đây là nói tới cái chương trình mẫu mà F tạo ra dành cho người mới học (như tôi chẳng hạn), cứ copy nguyên về, thay cái phần nội dung trong main và chương trình con cho phù hợp với bài toán của mình rồi biên dịch rồi chạy rồi thấy nó chạy loạn lên vì các lý do mà tôi đã đề cập ở bài trước. vì thế mới góp ý để F sửa đổi một chút chương trình mẫu để cho những người mới học khác có muốn copy về, xào xáo lại như tôi sẽ không bị nhầm lẫn nữa :D

namqn
02-08-2008, 01:39 AM
Đó, chính bản thân lệnh goto $ theo namqn đã là thừa, vậy nên phải sửa chg trình mẫu là đúng rồi :D
Tuy nhiên, theo tôi lệnh goto $ chỉ thừa trong trường hợp này thôi (trong vi dụ mẫu) còn trong một số trg hợp khác bản thân nó là một "vòng lặp vô hạn không làm gì cả " (kiểu như: while(TRUE) {}; ) thì lại không thừa. Chẳng hạn một chương trình không làm gì cả mà chỉ khởi tạo các giá trị ban đầu rồi chờ các sự kiện ngắt để phục vụ thì không thể coi đó là một chương trình tồi và lẽ đương nhiên là cần phải có một lệnh goto $ để tạo ra vòng lặp vô hạn (tất nhiên mọi người có thể nói là không cần lệnh goto $ mà dùng lệnh loop goto loop :))
Tất nhiên chương trình con thì đặt đâu mà chả được, nhưng đây là nói tới cái chương trình mẫu mà F tạo ra dành cho người mới học (như tôi chẳng hạn), cứ copy nguyên về, thay cái phần nội dung trong main và chương trình con cho phù hợp với bài toán của mình rồi biên dịch rồi chạy rồi thấy nó chạy loạn lên vì các lý do mà tôi đã đề cập ở bài trước. vì thế mới góp ý để F sửa đổi một chút chương trình mẫu để cho những người mới học khác có muốn copy về, xào xáo lại như tôi sẽ không bị nhầm lẫn nữa :D
Không đồng ý với bạn, vì bạn nêu lên một chi tiết không hợp lý ở post trước đó, bây giờ lại bắt sang một chi tiết (được cho là) không hợp lý khác, mà không thể hiện được cái bất hợp lý mà bạn đã nêu ở post trước.

Trong cấu trúc của chương trình mẫu, vòng lặp chính là vòng lặp giữa nhãn loop và lệnh goto loop. Nếu muốn biến nó thành while (true) {} thì không cần viết lệnh gì vào vòng lặp đó là xong. Do vậy, lệnh goto $ phía trước dẫn hướng end vẫn là thừa. Hơn nữa, viết theo kiểu loop goto loop hay goto $ đều dịch ra cùng kết quả.

Cấu trúc của chương trình mẫu là ổn, đảm bảo không có chuyện "copy nguyên về, thay cái phần nội dung trong main và chương trình con cho phù hợp với bài toán của mình rồi biên dịch rồi chạy rồi thấy nó chạy loạn lên". Đề nghị bạn post những chương trình kiểu đó lên để minh họa cho lý luận của bạn.

Về việc lệnh goto $ nằm trước dẫn hướng end: nó thừa nhưng chẳng ảnh hưởng gì đến chương trình ứng dụng (được viết đúng quy tắc) nên việc loại bỏ nó hay không vốn không phải là vấn đề.

Thân,

bachelor
02-08-2008, 01:06 PM
Không đồng ý với bạn, vì bạn nêu lên một chi tiết không hợp lý ở post trước đó, bây giờ lại bắt sang một chi tiết (được cho là) không hợp lý khác, mà không thể hiện được cái bất hợp lý mà bạn đã nêu ở post trước.

Trong cấu trúc của chương trình mẫu, vòng lặp chính là vòng lặp giữa nhãn loop và lệnh goto loop. Nếu muốn biến nó thành while (true) {} thì không cần viết lệnh gì vào vòng lặp đó là xong. Do vậy, lệnh goto $ phía trước dẫn hướng end vẫn là thừa. Hơn nữa, viết theo kiểu loop goto loop hay goto $ đều dịch ra cùng kết quả.

Cấu trúc của chương trình mẫu là ổn, đảm bảo không có chuyện "copy nguyên về, thay cái phần nội dung trong main và chương trình con cho phù hợp với bài toán của mình rồi biên dịch rồi chạy rồi thấy nó chạy loạn lên". Đề nghị bạn post những chương trình kiểu đó lên để minh họa cho lý luận của bạn.

Về việc lệnh goto $ nằm trước dẫn hướng end: nó thừa nhưng chẳng ảnh hưởng gì đến chương trình ứng dụng (được viết đúng quy tắc) nên việc loại bỏ nó hay không vốn không phải là vấn đề.

Thân,

Theo mẫu:
;======================================
processor p16f84a
include <p16f84a.inc>
__config _cp_off & _wdt_off & _xt_osc
;======================================
org 0x0c
count0 res 1
count1 res 1
count2 res 1
;======================================
org 0x00
goto main
org 0x05
;-------------------------------------------------
main
banksel trisa
clrf trisa
movlw 0xff
movwf trisb
banksel porta
clrf porta
movlw 0x09
movwf count0
clrw
btfsc portb, 0
iorlw b'00001'
btfsc portb, 1
iorlw b'00010'
btfsc portb, 2
iorlw b'00100'
btfsc portb, 3
iorlw b'01000'
btfsc portb, 4
iorlw b'10000'
addwf count0, 1
delay0 call delay100m
decfsz count0, f
goto delay0
bsf porta, 0
;-------------------------------------------------
delay100m
movlw 0x4e
movwf count2
delay2
nop
nop
call delay1278
decfsz count2, f
goto delay2
movlw 0xf0
movwf count2
delay3
nop
decfsz count2, f
goto delay3
return
;-------------------------------------------------
delay1278
movlw 0xff
movwf count1
delay1
nop
nop
decfsz count1, f
goto delay1
return
;-------------------------------------------------
goto $
end
;======================================
thì chạy sai
nhưng chuyển các chương trình con xuống giữa 2 dòng goto $ và end thì chạy đúng
bây giờ quay trở lại chương trình mẫu: để như vậy đương nhiên vẫn chạy đúng chuyển các chương trình con xuống giữa 2 dòng goto $ và end vẫn chạy đúng
lẽ đương nhiên quẳng các chương trình con ở đâu mà chẳng được, thế nhưng với tiêu chí "học pic trong một ngày" tức là dành cho người mới học thì mẫu càng tổng quát càng tốt đúng không, vậy thì tại sao lại không chỉnh sửa một chút (chẳng sai gì và chẳng thiệt hại gì) để chương trình mẫu có thể tránh thêm một lỗi có thể gặp trong thực tế.
To Namqn: Từ đầu tôi vẫn nhất quán là chuyển chương trình con xuống thôi. còn những cái khác có thể là do cách diễn đạt làm bạn hiểu sai. Thế còn goto $ hay loop goto loop ai chả biết bản chất nó là một, ý tôi muốn nói ở đây là tôi thì thích dùng goto $ để làm vòng lặp while(TRUE); còn có thể ng khác lại thích dùng loop goto loop để làm vòng lặp while(TRUE);

namqn
02-08-2008, 06:44 PM
Bạn đã phá vỡ cấu trúc của chương trình mẫu. Trong chương trình mẫu, phần code của chương trình chính bắt đầu với các lệnh khởi tạo ban đầu, sau đó đi vào vòng lặp chính, còn các chương trình con nằm dưới vòng lặp chính.

Bạn đã bỏ mất vòng lặp chính (loop ... goto loop), dẫn đến chương trình con của bạn trở thành một phần trong đoạn mã khởi tạo, và sau đó bạn mượn lệnh goto $ thừa ngay trước dẫn hướng end để làm vòng lặp while (true) của bạn. Nếu bạn vẫn giữ vòng lặp chính loop ... goto loop nhưng không viết gì vào giữa thì cấu trúc của chương trình mẫu vẫn được giữ, và bạn đạt được mục đích của mình.

Do đó, tôi xin khẳng định rằng bạn viết code không tuân theo cấu trúc của chương trình mẫu, và chương trình mẫu không có vấn đề gì cần phải sửa.

Chương trình mẫu là tổng quát, đúng cho cả trường hợp bạn thích đặt cái gì vào vòng lặp chính, hay chỉ muốn có một vòng lặp vô tận ở đó. Nếu bạn thích dùng goto $ cho vòng lặp chính, thì sau khi loại bỏ hết code giữa loop và goto loop, bạn có thể viết nó lại thành goto $ (chứ không phải xóa hẳn cái vòng lặp đó đi như bạn đã làm).

Thân,

bachelor
02-08-2008, 07:49 PM
Bạn đã phá vỡ cấu trúc của chương trình mẫu. Trong chương trình mẫu, phần code của chương trình chính bắt đầu với các lệnh khởi tạo ban đầu, sau đó đi vào vòng lặp chính, còn các chương trình con nằm dưới vòng lặp chính.

Bạn đã bỏ mất vòng lặp chính (loop ... goto loop), dẫn đến chương trình con của bạn trở thành một phần trong đoạn mã khởi tạo, và sau đó bạn mượn lệnh goto $ thừa ngay trước dẫn hướng end để làm vòng lặp while (true) của bạn. Nếu bạn vẫn giữ vòng lặp chính loop ... goto loop nhưng không viết gì vào giữa thì cấu trúc của chương trình mẫu vẫn được giữ, và bạn đạt được mục đích của mình.

Do đó, tôi xin khẳng định rằng bạn viết code không tuân theo cấu trúc của chương trình mẫu, và chương trình mẫu không có vấn đề gì cần phải sửa.

Chương trình mẫu là tổng quát, đúng cho cả trường hợp bạn thích đặt cái gì vào vòng lặp chính, hay chỉ muốn có một vòng lặp vô tận ở đó. Nếu bạn thích dùng goto $ cho vòng lặp chính, thì sau khi loại bỏ hết code giữa loop và goto loop, bạn có thể viết nó lại thành goto $ (chứ không phải xóa hẳn cái vòng lặp đó đi như bạn đã làm).

Thân,

Có lẽ stop việc tranh luận ở đây bởi vì thực ra chẳng ai sai cả (chỉ có khác nhau ở cách nhìn nhận vấn đề, mà đó lại thuộc về suy nghĩ riêng rồi, miễn là giải quyết tốt bài toán của chính mình) mà người khác đọc vào lại chẳng tiếp nhận được thông tin gì mới
Nhân đây cũng xin hỏi namqn (và mọi người :)) : những định nghĩa trong các tệp .inc (vd p16f84a.inc) có cần thời gian không nhỉ ? (ý tôi muốn hỏi là có cần thời gian để thực hiện như các lệnh không)
mong mọi người chỉ giúp, thanks !

namqn
03-08-2008, 12:35 AM
Có lẽ stop việc tranh luận ở đây bởi vì thực ra chẳng ai sai cả (chỉ có khác nhau ở cách nhìn nhận vấn đề, mà đó lại thuộc về suy nghĩ riêng rồi, miễn là giải quyết tốt bài toán của chính mình) mà người khác đọc vào lại chẳng tiếp nhận được thông tin gì mới
Nhân đây cũng xin hỏi namqn (và mọi người :)) : những định nghĩa trong các tệp .inc (vd p16f84a.inc) có cần thời gian không nhỉ ? (ý tôi muốn hỏi là có cần thời gian để thực hiện như các lệnh không)
mong mọi người chỉ giúp, thanks !
Nếu không sai thì tại sao bạn lại góp ý sửa chương trình mẫu?

Bạn đã nói rằng "copy nguyên về, thay cái phần nội dung trong main và chương trình con cho phù hợp với bài toán của mình rồi biên dịch rồi chạy rồi thấy nó chạy loạn lên", nhưng cái chương trình bị "chạy loạn lên" của bạn thì lại phá vỡ cấu trúc của chương trình mẫu (xóa mất vòng lặp vô tận loop ... goto loop), và dẫn đến góp ý của bạn rằng chương trình mẫu có chỗ không hợp lý. Góp ý của bạn do đó là không hợp lý.

Vấn đề ở đây không phải ai đúng ai sai, mà là vấn đề bạn phá vỡ cấu trúc chương trình rồi đề nghị sửa lại chương trình mẫu để những người học sau đều phá vỡ cấu trúc giống như bạn. Đó là điều tôi không muốn xảy ra.

Với câu hỏi về các tập tin .inc: những định nghĩa trong đó được trình biên dịch sử dụng khi dịch ra mã máy cho PIC, và không hề liên quan đến việc thực thi chương trình trong PIC, do đó không hề tiêu tốn một chu kỳ máy nào của PIC.

Thân,

window
22-09-2008, 04:17 PM
Mình đọc luồng này và rất cảm ơn các bạn rất nhiều .

window
22-09-2008, 04:46 PM
Mình đang làm đồ án về con PIC 16F877 , thiết lập hệ thồng tổng đài điện thoại nội bộ :
_2 trunk
_8 Tel ra
_Giao tiếp PC
Hiện mình đang tìm tài liệu và mong các bạn hổ trợ những kiến thức kinh nghiệm trong quá trình thực hiện... .
Cảm ơn rất nhiều

NATO308
29-01-2009, 10:45 PM
Cám ơn sự nhiệt tình của bang chủ và các câu hỏi của thành viên nhiều lắm . Mình học được rất nhiều từ các bạn . Cám ơn 1 lần nữa . Chúc picvietnam năm mới phát triển hơn trước và mọi người có được sức khỏe tốt để chúng ta tiếp tục tranh luận ^^

thaithien
19-02-2009, 10:25 PM
Cơ bản về PIC



http://i3.photobucket.com/albums/y64/falleafd/MachchayPIC16F628A.gif



Mình hỏi cái này hơi newbie chút nghen,trong cái hình đầu thread của anh falleaf thì làm cái mạch tạo nguồn 5V-500A ở bên dưới như thế nào vậy?Cụ thể :
-Con U3 C78l05/TO29 là con gì vậy ?
-Nguồn 9V-12V DC thì mua ở đâu ra ?Bao nhiêu ampe ?
-Liệu có trực tiếp nguồn 5V-500A mà không qua mạch trên kia không?
-Con thạch anh chọn bao nhiêu MHZ là tốt nhất ?

Hic,câu hỏi quá newbie luôn chứ không còn hơi hơi nữa,mong mọi người giúp đỡ với !!!Thanks

namqn
19-02-2009, 11:24 PM
Mình hỏi cái này hơi newbie chút nghen,trong cái hình đầu thread của anh falleaf thì làm cái mạch tạo nguồn 5V-500A ở bên dưới như thế nào vậy?Cụ thể :
-Con U3 C78l05/TO29 là con gì vậy ?
-Nguồn 9V-12V DC thì mua ở đâu ra ?Bao nhiêu ampe ?
-Liệu có trực tiếp nguồn 5V-500A mà không qua mạch trên kia không?
-Con thạch anh chọn bao nhiêu MHZ là tốt nhất ?

Hic,câu hỏi quá newbie luôn chứ không còn hơi hơi nữa,mong mọi người giúp đỡ với !!!Thanks
- Nguồn 5V-500 mA chứ không phải 5V-500A!

- C78L05/TO92 là vi mạch ổn áp 5 V thuộc dòng 7805 (phiên bản 78L05 chỉ có định mức 100 mA chứ không phải 500 mA như trong sơ đồ của falleaf), có kiểu vỏ TO92 (3 chân loại nhỏ, giống như các transistor C1815 hay A1015).

- Nguồn 9 - 12 VDC mua ở chợ (Ở Tp. HCM thì đến chợ Nhật Tảo), số ampe tối thiểu bằng với định mức của vi mạch ổn áp 5 V (chắc chắn có thể tìm được).

- Các thạch anh 4 MHz, 10 MHz, và 20 MHz tốt như nhau.

Thân,

thaithien
21-02-2009, 12:34 AM
Như vậy là nguồn 5V-500 mA sẽ không có sẵn và mình phải làm mạch giống như trên?

namqn
21-02-2009, 08:35 PM
Như vậy là nguồn 5V-500 mA sẽ không có sẵn và mình phải làm mạch giống như trên?
Tôi không khẳng định như vậy, mà chỉ trả lời những câu hỏi của bạn. Tôi tin rằng bạn có thể tìm mua các adapter có điện áp ngõ ra là 5 VDC, với khả năng cấp dòng từ 500 mA trở lên. Nhưng giải pháp dùng mạch ổn áp trên mạch ứng dụng là linh hoạt hơn trong vấn đề cấp nguồn cho mạch.

Thân,

chienbinhgiuden
15-03-2009, 12:53 AM
Cho tui hỏi là cái mạch ở trên đầu tiên của falleaf có thể áp dụng cho PIC 16F877a hok dzậy . Tui biết để tui ra tiệm mua linh kiện về làm liền .

thaithien
15-03-2009, 06:10 AM
Cho tui hỏi là cái mạch ở trên đầu tiên của falleaf có thể áp dụng cho PIC 16F877a hok dzậy . Tui biết để tui ra tiệm mua linh kiện về làm liền .

Hình như là được.Cái đó làm mạch chạy thôi mà,chỉ gần gắn PIC đúng chân vào đó là hoạt động được

chienbinhgiuden
15-03-2009, 10:00 PM
àh cho tui hỏi thêm là chân 6 của PORTA và chân 2 của PORTB có chung với nhau không , và 2 chân đó là gì vậy ( câu này có vẻ hơi ngu nhưng vì tui dở lắm nên thông cảm dùm +_+ )

Và tại sao mình phải qua 1 mạch ôn áp , mình có thể dùng PIN 5V được không


3W1 3W2 chỉ đơn thuần là tên thôi hay có ý nghĩa gì khác (tại vì tui thấy mấy nút reset chỉ cần qua 1 con điện trở tới nguồn ở trên là đủ gòi hok thấy có cái 3W)

Àh nếu được thì cho tui chương trình viết MPASM luôn nha .

chienbinhgiuden
18-03-2009, 05:48 PM
T_T sao hok ai trả lời hết trơn dzậy . Kỉu này hok kịp nộp bài tập cho thầy quá

mtuankct
18-03-2009, 11:32 PM
àh cho tui hỏi thêm là chân 6 của PORTA và chân 2 của PORTB có chung với nhau không , và 2 chân đó là gì vậy ( câu này có vẻ hơi ngu nhưng vì tui dở lắm nên thông cảm dùm +_+ )
mình không hiểu bạn đang nói sơ đồ nào, nhưng mình nghĩ chẳng ai nối 2 chân này lại với nhau làm gì
Và tại sao mình phải qua 1 mạch ôn áp , mình có thể dùng PIN 5V được không
Bạn hoàn toàn có thể dùng pin 5V để chạy vđk(nếu bạn có), cái này tùy ứng dụng thôi, nếu làm để học thì làm bộ nguồn 5V sẽ tiện dụng, kinh tế hơn việc chạy bằng pin
3W1 3W2 chỉ đơn thuần là tên thôi hay có ý nghĩa gì khác (tại vì tui thấy mấy nút reset chỉ cần qua 1 con điện trở tới nguồn ở trên là đủ gòi hok thấy có cái 3W)
nếu bạn đang nối về cái mạch đầu tiên của anh falleaf thì mình không thấy cái nào là 3W1 và 3W2 cả chỉ có cái nút ấn và công tắc là SW1, và SW2 thôi

thaithien
21-03-2009, 03:43 PM
Cái nguồn 9V-12V thì dòng điện vào là bao nhiêu vậy ?Nó có ảnh hưởng nhiều đến đầu ra 5V-500mA không?

chienbinhgiuden
21-03-2009, 09:12 PM
^^ nhìn lộn , là SW chứ hok phải 3W .

Còn vụ chân số 2 của PORTB và chân số 6 của PORTA là sao vậy . Bỏ chân đó hay là sao . Àh mà tui gắn thêm PORTC , D chắc hok sao đâu ha .

thaithien
21-03-2009, 10:15 PM
Cho hỏi cái này:công dụng của các con thạch anh trong mạch đầu thread là gì vậy?Nếu không có con thạch anh thì mạch có chạy không?

chienbinhgiuden
22-03-2009, 07:30 PM
COn thạch anh dùng để cung cấp xung cho con PIC hoạt động . Cứ 4 nhịp động thì con PIC thực hiên 1 lệnh . Bạn hãy đọc kỹ trang 1 đi Falleaf viết rõ lắm đó

thaithien
23-03-2009, 12:00 AM
Cái đó thì mình đọc rồi và cũng hiểu chút ít.Nhưng do mình lắp mạch thật ở ngoài mà chạy chưa được nên mới nghĩ vậy.Trong mạch thật mình lắp không có thạch anh.Mà trong PIC cũng đã có sẵn dao động nội rồi đúng không?

linhdien
18-05-2009, 03:46 PM
Cam on fallaf, tôi đang tìm hiểu và bắt đầu học Pic. Bài viết của bạn rất hữu ích. Có kinh nghiệm nhiều bạn chỉ giáo cho tôi với nhé. Mail: anhlinhkn@gmail.com.
"Chuyển tải thông tin là bạn đã nhận được thông tin"

vocuvoba
23-09-2009, 10:46 PM
hay quá các bác à
làm em mở rộng tầm mắt
:D

f85635
11-11-2009, 06:35 AM
Thnaks bác Falleaf nhiều:) Bác hướngd dẫn rất cụ thể. Em mới bắt đầu học nhưng cũng hiểu so so rồi.hihi mong Bác chỉ bảo thêm

thuongcdtspkt
19-03-2010, 07:31 PM
Cam on Pic pang chu, mac du cuoi tuan minh phai hoc lai ve pic rat met, 19h30 ma van chua an com nhung xem dc may cai file cua bac toi mung lam

luyenmta
09-06-2010, 02:30 AM
hay qá em moi hoc pic nên doc bai nay em vo cac ra nhieu cam on da dua bai nay len

lehung1212
31-07-2010, 04:59 PM
em mon bai moi cua a qua, giup tui em voi a nha, cam on anh falleaf nhiu nhiu ^^

minhphuong2004
31-07-2010, 05:31 PM
Xin chào tất cả mọi người. Hiện nay chúng ta vẫn hay viết chương trình điều khiển và ghéo nối máy tính bằng VB6.Nhưng tôi đi làm thấy người Nhật các phần mềm của họ đều chuyển sang Vb2005 hoặc VB2008.Code của thằng này khác rất nhiều so với VB6.
Vậy ai có tài liệu hoặc có kinh nghiệm làm về VB2008 (phần giao tiếp máy tính)thì port bài lên cho anh em cùng tham khảo nhé.
Cảm ơn tất cả mọi người.

tuananhbkbn
09-08-2010, 06:23 PM
các anh chị ơi! em đang học lập trình về pic.trong đó có LCD nữa,em không hiểu làm thế nào để hiểu được các thư viện ví dụ như LCD-lib-4c để có thể dùng nó! thank

lampic
13-01-2011, 10:37 AM
Chào cac bạn
Mình thấy bác F chỉ viết phuong trình dễ quá,nên copy vào MPLAB V8.63 ,nhưng bị báo lổi.Mong các bạn chỉ lổi của mình ,Thành thật cám ơn.
================================================== ======
; Ten chuong trinh : Mach test den LED_1
; Nguoi thuc hien : Falleaf
; Ngay thuc hien : 23/05/2005
; Phien ban : 1.0
; Mo ta phan cung : Dung PIC16F628A - thach anh 10MHz
; : LED giao tiep voi PORTB
; : Cuc am cua LED noi voi GND
; : RB0 - RB7 la cac chan output
;----------------------------------------------------------------
; Ngay hoan thanh : 23/05/2005
; Ngay kiem tra : 23/05/2005
; Nguoi kiem tra : Doan Hiep
;----------------------------------------------------------------
;
TITLE "Mach test LED_1"
PROCESSOR P16F628A
INCLUDE <P16F628A.inc>
__CONFIG _CP_OFF & _PWRTE_ON & _WDT_OFF &_HS_OSC
ORG 0x0000

GOTO MAIN


ORG 0x0005

MAIN
BANKSEL TRISB ; bank select
CLRF TRISB ; trisb = 00000000
; portb = output
BANKSEL PORTB
BSF PORTB, 0 ; rb0 = 1
; RB0 = 5V
GOTO $ ; dung chuong trinh tai day
; vong lap tai cho^~
; khong bao gio ket thuc
END. ; lenh bat buoc de ket thuc
;==========================

vodich01
16-01-2011, 06:24 PM
Cho mình hỏi mấy cái nối đất, nối điện trở làm sao biết nối như thế nào, số liệu bao nhiêu, mình mới học nên ko rõ lấm, mong mọi người giúp đỡ. Nếu như có 1 thread chỉ viết code + mô phỏng luôn thì đối với 1 người ko chuyên về điện tử nhưng có hứng thú như mình có lẽ tiếp thu đc nhanh hơn.

luongkim
14-05-2011, 11:54 PM
huynh nào có tài liệu bằng tiếng việt về pic6f88x cho mình tham khảo với nha

lehuybinhddt
09-06-2011, 09:56 PM
em cám ơn các bác nha.em là tân binh còn nhiều điều cần học hỏi.mong các bác giúp đỡ em nhiều ak.

lehuybinhddt
09-06-2011, 09:59 PM
dạ thưa bác nào có thể dạy em 1 bài về lập trình cho PIC đc không ạ
em tks trc nha

pstin
10-06-2011, 05:19 PM
ĐANG RẢNH, THẤY ANH EM HAY THẮC MẮC CÁI CHUYỆN HIỂN THỊ LED 7 ĐOẠN, SẴN TUI POST LÊN CHO ANH EM THAM KHẢO, CHƯƠNG TRÌNH QUÉT LED 4X7 ANODE CHUNG, KHÔNG DÙNG IC GIẢI MÃ.
D4:LED1;
D5:LED2;
D6:LED3;
D7:LED4;

CHƯƠNG TRÌNH ĐỌC GIÁ TRỊ ANALOGE AN0 XUẤT GIA TRỊ RA LED.
MẠCH ĐÍNH KÈM BÊN DƯỚI, ĐIỆN TRỞ DÙNG VÀI TRĂM OHM CHO LED SÁNG NHIỀU HƠN.
ĐẤU DÂY LUNG TUNG THÌ THAY LẠI CÁC ĐỊA CHỈ SET CŨNG OK LUÔN, MẠCH DÙNG NGUYÊN PORTB CHO TIỆN.

Void hien_thi()
{
set_ADC_channel(0);
delay_us(100);
adc0=read_ADC(ADC_START_AND_READ);
delay_us(100);
adcn0 = adc0/1000;
a0= adc0%1000;
adct0 = a0/100;
b0 = a0%100;
adcc0 = b0/10;
adcd0 = b0%10;
i=adcn0;
chuyen();
PortD=0x10;
PortB=n;
delay_ms(5);
i=adct0;
chuyen();
PortD=0x20;
PortB=n;
delay_ms(5);
i=adcc0;
chuyen();
PortD=0x40;
PortB=n;
delay_ms(5);
i=adcd0;
chuyen();
PortD=0x80;
PortB=n;
delay_ms(5);
}

Void chuyen()
{
switch(i)
{
case 0:
n=0x03;
break;
case 1:
n=0x9f;
break;
case 2:
n=0x25;
break;
case 3:
n=0x0D;
break;
case 4:
n=0x99;
break;
case 5:
n=0x49;
break;
case 6:
n=0x41;
break;
case 7:
n=0x1f;
break;
case 8:
n=0x01;
break;
case 9:
n=0x09;
break;
}
}

alycuong
12-06-2011, 07:45 PM
Trong thư viện lcd.c có sẵn của CCS thì có các hàm bên dưới, e chỉ biết công dụng của 1 số, a nào biết chú thích giúp e các cái còn lại với.

void lcd_send_byte(BYTE address, BYTE n) ??? cai nay la gi ah?
void lcd_send_nibble(BYTE n) ??? cai nay la gi ah?
void lcd_init(void) //Khoi tao LCD
void lcd_gotoxy(BYTE x, BYTE y) // Di den vi tri cot , hang
void lcd_putc(char c) // Gui ki tu len LCD
char lcd_getc(BYTE x, BYTE y) // Nhan ki tu tu LCD

Cho e hỏi là với 1 thư viện khác thì có hàm void LCD_PutCmd ( unsigned int cX )

Ví dụ muốn nhấp nháy con trỏ thì viết : LCD_PutCmd(0x0f)

Nhưng với thư viện lcd.c

void lcd_send_byte(BYTE address, BYTE n)
void lcd_send_nibble(BYTE n)
void lcd_init(void)
void lcd_gotoxy(BYTE x, BYTE y)
void lcd_putc(char c)
char lcd_getc(BYTE x, BYTE y)

Với các lệnh trên e k biết làm sao để nhấp nháy con trỏ hết. A nào bít hướng dẫn gúp e. E cảm ơn nhiều lắm!

pstin
13-06-2011, 11:45 AM
Đối với hàm void lcd_gotoxy(BYTE x, BYTE y) thì nhấp nháy con trỏ là:

lcd_gotoxy(BYTE x, BYTE y);
lcd_send_byte(0,0x0f);

qiuyinffy
14-06-2011, 08:58 AM
Hoi Cac anh em cho, CPI manure Chuong Trinh Nhu Mau Theo Ben Ngata two contrary, cooperation may Khai Thi Bao CC Vung ram two contrary Khong Ben

phamhaihoc
19-06-2011, 09:28 PM
PIC ổn định...có bộ nào hây hơn bộ này không vậy mấy anh...

vinhhai
18-02-2012, 06:10 PM
cảm ơn bạn đã post bài.

nguyenvyled
27-03-2012, 10:27 PM
Cơ bản về PIC

Dưới đây là hình mạch chạy của PIC16F84A, PIC16F628A và PIC16F88. Tất cả các PIC này đều có vị trí chân tương ứng nhau, và thậm chí có thể nói PIC16F628A tương thích PIC16F84A và PIC16F88 tương thích với hai loại còn lại. Có nghĩa là trong các ứng dụng của PIC16F84A, khi thay đổi bằng PIC16F88, hay PIC16F628A đều được.

http://i3.photobucket.com/albums/y64/falleafd/MachchayPIC16F628A.gif

Tất nhiên, 3 loại vi dòng PIC trên đây có thể tương thích với nhiều dòng PIC cũ hơn, nhưng vì thị trường PIC Việt Nam phổ biến với 3 loại PIC này, cho nên chúng tôi chỉ đề cập đến 3 loại PIC này mà thôi.

Sau khi các bạn có mạch nạp, chương trình nạp, MPLAB IDE, CCS C hoặc HT PIC, các bạn làm mạch chạy này. Kể từ đây khi thiết kế cách mạch test, hoặc các thiết bị ngoại vi khác, cần thử nghiệm, các bạn chỉ việc thiết kế mạch ngoài, sau đó cắm vào các chân ra và chạy thử.

Khi mạch chạy tốt, các bạn muốn thiết kế được hoàn chỉnh, các bạn chỉ việc copy mạch chạy từ Orcad và dán vào mạch nguyên lý của thiết bị của bạn. Xoá các chân header đi, và nối dây vào trong mạch chạy PIC. Như vậy, chúng ta không phải tốn thời gian thiết kế cho PIC nữa.

Một vài điểm lưu ý về mạch như sau:

- Nguồn chỉ dùng cho PIC, tuyệt đối không dùng bộ nguồn này cho thiết bị ngoại vi. Nếu thiết bị ngoại vi cần nguồn, các bạn thiết kế bộ nguồn riêng. Một số thiết bị ngoại vi quá đơn giản, và tốn ít dòng, các bạn có thể dùng nguồn chung (khoảng 100mA)

- Tôi không khuyến khích dùng dao động nội của PIC, bởi vì dao động nội chỉ chạy được ở 4MHz, và không ổn định như dùng thạch anh ngoài. Một số đề tài công nghiệp, họ dùng thạch anh chuẩn công nghiệp 4 chân, nên chúng ta cũng tạo thói quen dùng thạch anh ngoài, không cần quá tận dụng 2 chân của PIC.

- Mạch reset này là mạch reset đơn giản nhất của PIC, và tạo chế độ reset power on. Một số ứng dụng của PIC yêu cần mạch brownout reset, các bạn có thể tham khảo trong datasheet. Nhưng tôi thiết nghĩ, những đề tài thông thường, không cần dùng mạch brownout reset này.

- Chúng ta thống nhất chuẩn thiết kế cho các header là nối vào các chân của PIC theo thứ tự hai chân ngoài cùng là Rx0 và GND. Mục đích là để khi chạy mạch in, chân GND có thể được xếp ra phía ngoài, chân Rx0 để quy định cho tất cả các port khác nhau, vì có port chỉ có 3 chân, có port 5 chân, 8 chân... Nếu lấy chân RB7 làm chuẩn chẳng hạn, thì sẽ rất khó giải thích khi lấy chân RA4 đặt ra phía ngoài. Vì vậy RA0 và RB0 chúng ta lấy làm chuẩn. Điều này cũng đã được thực hiện trong một số tutorial, và gần như là quy ước bất thành văn khi thực hiện các mạch phát triển cho vi điều khiển. Chân VDD (5V) được nối vào, nhằm sử dụng cho các ứng dụng cần có điện áp ngõ vào, nhưng không cao lắm như ở trên đã nói (100mA). Tuyệt đối không thiết kế chân VSS (GND) và chân VDD (5V) ở hai đầu của header, tránh tình trạng đôi khi chúng ta không để ý cắm nhầm, có thể làm hỏng PIC, hoặc hỏng luôn cả thiết bị ngoại vi.

- Các nút bấm và công tắc, tôi thiết kế là các nút bấm 4 chân, vì hiện nay trên thị trường hầu như chỉ bán loại nút bấm này, và loại nút bấm này chắc chắn hơn loại 2 chân trước đây. Các bạn cũng lưu ý sau này khi thiết kế nút bấm cũng nên thiết kế nút bấm 4 chân.

- Con ổn áp 78L05 khác với con 7805. Nó là dạng TO92, tức là nó giống như con transistor thông thường, nên rất nhỏ, chứ không phải dạng 3 chân và có tấm tản nhiệt phía sau như con 7805. Do vậy, mạch thiết kế sẽ nhỏ đi khá nhiều.

- Ở đây, tôi không chạy ra mạch in, vì rằng tôi muốn dành công việc này cho các bạn sinh viên mới học. Sau khi các bạn làm xong mạch in, nếu các bạn có thể chia sẻ với chúng tôi thì thật là tuyệt vời. Chỉ có một điều lưu ý là, chúng ta thường không cắm trực tiếp vi điều khiển vào mạch để hàn, mà chúng ta cắm qua một socket để có thể gỡ ra lập trình lại, và để đảm bảo không bị cháy PIC khi hàn. Do vậy, khi cắm socket, các bạn sẽ có thể nhét hai tụ nối ở thạch anh vào bên trong socket, khi cắm PIC lên, nó sẽ che hai cái tụ đó đi, và mạch của các bạn sẽ gọn gàng hơn. Socket loại 18 chân không thể nhét thạch anh và điện trở nối từ chân MCLR đến VDD vào bên trong được, nhưng sau này khi dùng PIC 28 hoặc 40 chân, các bạn nên nhét tất cả vào bên dưới socket để cho mạch gọn gàng hơn.

- Một điểm cuối cùng, chúng tôi không thiết kế phần nạp bằng ICSP, bởi vì chúng tôi không muốn làm cho các bạn mới học PIC cảm thấy bối rối. Chúng ta sẽ thực hiện mạch chạy PIC với các chân ICSP và bootloader sau. huynh co the goi cho de xin mot doan code mau lam led nhap nhay su dung pic 16f54 theo dia chi mail cua de duoc kg? hongvinhdng@gmail.com de cam on truoc nhe.

hoamaitoasang
04-06-2012, 09:03 PM
ở day mình xin ép 1 file pdf nói về cơ bản của pic ,có ai đoc thấy hay thì cho mình xin 1 bài code nha:
Bai code đó viết như thế này :
;viết cho 3 nút nhấn nhập vào ở port E
3 nút đó có tên là reset ;up;dow
Để tăng giảm hiển thị lên led 7 đoạn va reset lại từ dầu
và nút tăng từ 1 đến 100 và giảm xuống ...
mình xin cảm ơn trước ;nếu được như vậy mình sẽ học mau hơn va minh sẽ viết nhiều bài cơ bản giúp cho ''ĐIỄN DÀN '' phát triển với CCS hơn la các ngôn ngữ khác.


hoặc gửi mail cho mình :doilaphudu4belanha@gmail.com


mình xin cảm ơn:thank very must

kiengo1408
07-09-2012, 05:31 PM
Cơ bản về PIC

Dưới đây là hình mạch chạy của PIC16F84A, PIC16F628A và PIC16F88. Tất cả các PIC này đều có vị trí chân tương ứng nhau, và thậm chí có thể nói PIC16F628A tương thích PIC16F84A và PIC16F88 tương thích với hai loại còn lại. Có nghĩa là trong các ứng dụng của PIC16F84A, khi thay đổi bằng PIC16F88, hay PIC16F628A đều được.

http://i3.photobucket.com/albums/y64/falleafd/MachchayPIC16F628A.gif

Tất nhiên, 3 loại vi dòng PIC trên đây có thể tương thích với nhiều dòng PIC cũ hơn, nhưng vì thị trường PIC Việt Nam phổ biến với 3 loại PIC này, cho nên chúng tôi chỉ đề cập đến 3 loại PIC này mà thôi.

Sau khi các bạn có mạch nạp, chương trình nạp, MPLAB IDE, CCS C hoặc HT PIC, các bạn làm mạch chạy này. Kể từ đây khi thiết kế cách mạch test, hoặc các thiết bị ngoại vi khác, cần thử nghiệm, các bạn chỉ việc thiết kế mạch ngoài, sau đó cắm vào các chân ra và chạy thử.

Khi mạch chạy tốt, các bạn muốn thiết kế được hoàn chỉnh, các bạn chỉ việc copy mạch chạy từ Orcad và dán vào mạch nguyên lý của thiết bị của bạn. Xoá các chân header đi, và nối dây vào trong mạch chạy PIC. Như vậy, chúng ta không phải tốn thời gian thiết kế cho PIC nữa.

Một vài điểm lưu ý về mạch như sau:

- Nguồn chỉ dùng cho PIC, tuyệt đối không dùng bộ nguồn này cho thiết bị ngoại vi. Nếu thiết bị ngoại vi cần nguồn, các bạn thiết kế bộ nguồn riêng. Một số thiết bị ngoại vi quá đơn giản, và tốn ít dòng, các bạn có thể dùng nguồn chung (khoảng 100mA)

- Tôi không khuyến khích dùng dao động nội của PIC, bởi vì dao động nội chỉ chạy được ở 4MHz, và không ổn định như dùng thạch anh ngoài. Một số đề tài công nghiệp, họ dùng thạch anh chuẩn công nghiệp 4 chân, nên chúng ta cũng tạo thói quen dùng thạch anh ngoài, không cần quá tận dụng 2 chân của PIC.

- Mạch reset này là mạch reset đơn giản nhất của PIC, và tạo chế độ reset power on. Một số ứng dụng của PIC yêu cần mạch brownout reset, các bạn có thể tham khảo trong datasheet. Nhưng tôi thiết nghĩ, những đề tài thông thường, không cần dùng mạch brownout reset này.

- Chúng ta thống nhất chuẩn thiết kế cho các header là nối vào các chân của PIC theo thứ tự hai chân ngoài cùng là Rx0 và GND. Mục đích là để khi chạy mạch in, chân GND có thể được xếp ra phía ngoài, chân Rx0 để quy định cho tất cả các port khác nhau, vì có port chỉ có 3 chân, có port 5 chân, 8 chân... Nếu lấy chân RB7 làm chuẩn chẳng hạn, thì sẽ rất khó giải thích khi lấy chân RA4 đặt ra phía ngoài. Vì vậy RA0 và RB0 chúng ta lấy làm chuẩn. Điều này cũng đã được thực hiện trong một số tutorial, và gần như là quy ước bất thành văn khi thực hiện các mạch phát triển cho vi điều khiển. Chân VDD (5V) được nối vào, nhằm sử dụng cho các ứng dụng cần có điện áp ngõ vào, nhưng không cao lắm như ở trên đã nói (100mA). Tuyệt đối không thiết kế chân VSS (GND) và chân VDD (5V) ở hai đầu của header, tránh tình trạng đôi khi chúng ta không để ý cắm nhầm, có thể làm hỏng PIC, hoặc hỏng luôn cả thiết bị ngoại vi.

- Các nút bấm và công tắc, tôi thiết kế là các nút bấm 4 chân, vì hiện nay trên thị trường hầu như chỉ bán loại nút bấm này, và loại nút bấm này chắc chắn hơn loại 2 chân trước đây. Các bạn cũng lưu ý sau này khi thiết kế nút bấm cũng nên thiết kế nút bấm 4 chân.

- Con ổn áp 78L05 khác với con 7805. Nó là dạng TO92, tức là nó giống như con transistor thông thường, nên rất nhỏ, chứ không phải dạng 3 chân và có tấm tản nhiệt phía sau như con 7805. Do vậy, mạch thiết kế sẽ nhỏ đi khá nhiều.

- Ở đây, tôi không chạy ra mạch in, vì rằng tôi muốn dành công việc này cho các bạn sinh viên mới học. Sau khi các bạn làm xong mạch in, nếu các bạn có thể chia sẻ với chúng tôi thì thật là tuyệt vời. Chỉ có một điều lưu ý là, chúng ta thường không cắm trực tiếp vi điều khiển vào mạch để hàn, mà chúng ta cắm qua một socket để có thể gỡ ra lập trình lại, và để đảm bảo không bị cháy PIC khi hàn. Do vậy, khi cắm socket, các bạn sẽ có thể nhét hai tụ nối ở thạch anh vào bên trong socket, khi cắm PIC lên, nó sẽ che hai cái tụ đó đi, và mạch của các bạn sẽ gọn gàng hơn. Socket loại 18 chân không thể nhét thạch anh và điện trở nối từ chân MCLR đến VDD vào bên trong được, nhưng sau này khi dùng PIC 28 hoặc 40 chân, các bạn nên nhét tất cả vào bên dưới socket để cho mạch gọn gàng hơn.

- Một điểm cuối cùng, chúng tôi không thiết kế phần nạp bằng ICSP, bởi vì chúng tôi không muốn làm cho các bạn mới học PIC cảm thấy bối rối. Chúng ta sẽ thực hiện mạch chạy PIC với các chân ICSP và bootloader sau.

cảm ơn bài viết rất nhiều xin hãy tiếp tục hướng dẫn và chia sẻ thêm các phần mềm lập trình và chương trình nạp nhé ! thank

wikj10
20-10-2012, 01:39 AM
luông này viết rất hay nhưng chưa đủ, để một người mới bắt đầu tìm hiểu vể pic thì cần những bài viết rõ ràng hơn, tối mới học, biết sơ sơ nhưng đọc nhiều chỗ vẫn thấy khó hiểu.

tosang
21-10-2012, 10:35 PM
Cái này thời sinh viên có làm, đi làm bỏ lâu. Giờ mò lại cho vui. Mong các trưởng lão chỉ giúp!

sangnt_55
21-04-2013, 08:43 PM
các pro cho em hỏi là mạch in của em như thế này là đúng hay sai ạ. Em test thì có một số lỗi mà em không biết sửa như thế nào:
1. Khi em cắm pickit2 vào để nạp thì không tìm thấy thiết bị (PIC)
2. Lúc em kiểm tra thì đo được điện thế ở 2 đầu điện trở của VDD chỉ có 0.6V, tức là điện thế cấp cho VDD của PIC có 0.6V. Em tháo cả con tụ và con Trở ở VDD ra thì mạch báo bị đoản mạch (em dùng mạch cấp nguồn riêng em làm riêng ra một board khác có dùng 7805).
3. Em kiểm tra tất cả các chân, các nối thì không thấy đoản mạch ở chỗ nào cũng như không thấy bị dính chỗ nào.
4. Em đo được điện thế trên MCLR cũng có 0.6V.
Cao nhân nào chỉ giùm em với,, em mất mấy tuần sửa đi sửa lại, làm lại mạch mà không được, thứ 6 này em phải nộp rồi ak.
Mạch test, demo em dùng Proteus để chạy thì chạy ngon ạ. còn mạch in em dùng altium vẽ rồi làm mạch thì mạch lại không chạy. Các header để nối các Led đơn và led 7 segment anode chung ạ!

thanh82.tdh
22-02-2014, 04:02 PM
hay quá, a có tài liệu về cách lập trình pic16f84a bằng mplab k? thầy e đòi hỏi cái đó.

thanh82.tdh
22-02-2014, 04:04 PM
nếu có thể a giúp bọn e làm mạch hạ nguồn từ nguồn 220v xuống 5v,10v,20v dk không ạ

phongthuy113
27-10-2015, 04:48 PM
Cảm ơn bạn đã chia sẻ thông tin mình đang cần tìm
______________________________________
http://phongthuyviet.info/
Vòng tay đá phong thủy (http://phongthuyviet.info/) , Vòng tay phong thủy (http://phongthuyviet.info/danh-muc/vong-tay-phong-thuy) , Đá phong thủy (http://phongthuyviet.info/danh-muc/da-phong-thuy) , Trang sức phong thuỷ (http://phongthuyviet.info/danh-muc/trang-suc-phong-thuy)
Vòng tay phong thủy (https://www.facebook.com/phongthuyviet.info)

DunLop
10-12-2015, 02:59 PM
E tập tành lập trình pic bằng ccs nhưng có một vấn đề về biến e chưa rõ:
- E muốn sử dụng biến T[n] để lấy giá trị của timer, với n=1,2,3,4....( VD: T1=100, T2=200...)
Nhưng e không biết khai báo biến T[n] như thế nào để chương trình hiểu ý đồ của e..
E cảm ơn!

buikhacbinh1996
02-04-2016, 10:40 AM
Cơ bản về PIC

Dưới đây là hình mạch chạy của PIC16F84A, PIC16F628A và PIC16F88. Tất cả các PIC này đều có vị trí chân tương ứng nhau, và thậm chí có thể nói PIC16F628A tương thích PIC16F84A và PIC16F88 tương thích với hai loại còn lại. Có nghĩa là trong các ứng dụng của PIC16F84A, khi thay đổi bằng PIC16F88, hay PIC16F628A đều được.

http://i3.photobucket.com/albums/y64/falleafd/MachchayPIC16F628A.gif

Tất nhiên, 3 loại vi dòng PIC trên đây có thể tương thích với nhiều dòng PIC cũ hơn, nhưng vì thị trường PIC Việt Nam phổ biến với 3 loại PIC này, cho nên chúng tôi chỉ đề cập đến 3 loại PIC này mà thôi.

Sau khi các bạn có mạch nạp, chương trình nạp, MPLAB IDE, CCS C hoặc HT PIC, các bạn làm mạch chạy này. Kể từ đây khi thiết kế cách mạch test, hoặc các thiết bị ngoại vi khác, cần thử nghiệm, các bạn chỉ việc thiết kế mạch ngoài, sau đó cắm vào các chân ra và chạy thử.

Khi mạch chạy tốt, các bạn muốn thiết kế được hoàn chỉnh, các bạn chỉ việc copy mạch chạy từ Orcad và dán vào mạch nguyên lý của thiết bị của bạn. Xoá các chân header đi, và nối dây vào trong mạch chạy PIC. Như vậy, chúng ta không phải tốn thời gian thiết kế cho PIC nữa.

Một vài điểm lưu ý về mạch như sau:

- Nguồn chỉ dùng cho PIC, tuyệt đối không dùng bộ nguồn này cho thiết bị ngoại vi. Nếu thiết bị ngoại vi cần nguồn, các bạn thiết kế bộ nguồn riêng. Một số thiết bị ngoại vi quá đơn giản, và tốn ít dòng, các bạn có thể dùng nguồn chung (khoảng 100mA)

- Tôi không khuyến khích dùng dao động nội của PIC, bởi vì dao động nội chỉ chạy được ở 4MHz, và không ổn định như dùng thạch anh ngoài. Một số đề tài công nghiệp, họ dùng thạch anh chuẩn công nghiệp 4 chân, nên chúng ta cũng tạo thói quen dùng thạch anh ngoài, không cần quá tận dụng 2 chân của PIC.

- Mạch reset này là mạch reset đơn giản nhất của PIC, và tạo chế độ reset power on. Một số ứng dụng của PIC yêu cần mạch brownout reset, các bạn có thể tham khảo trong datasheet. Nhưng tôi thiết nghĩ, những đề tài thông thường, không cần dùng mạch brownout reset này.

- Chúng ta thống nhất chuẩn thiết kế cho các header là nối vào các chân của PIC theo thứ tự hai chân ngoài cùng là Rx0 và GND. Mục đích là để khi chạy mạch in, chân GND có thể được xếp ra phía ngoài, chân Rx0 để quy định cho tất cả các port khác nhau, vì có port chỉ có 3 chân, có port 5 chân, 8 chân... Nếu lấy chân RB7 làm chuẩn chẳng hạn, thì sẽ rất khó giải thích khi lấy chân RA4 đặt ra phía ngoài. Vì vậy RA0 và RB0 chúng ta lấy làm chuẩn. Điều này cũng đã được thực hiện trong một số tutorial, và gần như là quy ước bất thành văn khi thực hiện các mạch phát triển cho vi điều khiển. Chân VDD (5V) được nối vào, nhằm sử dụng cho các ứng dụng cần có điện áp ngõ vào, nhưng không cao lắm như ở trên đã nói (100mA). Tuyệt đối không thiết kế chân VSS (GND) và chân VDD (5V) ở hai đầu của header, tránh tình trạng đôi khi chúng ta không để ý cắm nhầm, có thể làm hỏng PIC, hoặc hỏng luôn cả thiết bị ngoại vi.

- Các nút bấm và công tắc, tôi thiết kế là các nút bấm 4 chân, vì hiện nay trên thị trường hầu như chỉ bán loại nút bấm này, và loại nút bấm này chắc chắn hơn loại 2 chân trước đây. Các bạn cũng lưu ý sau này khi thiết kế nút bấm cũng nên thiết kế nút bấm 4 chân.

- Con ổn áp 78L05 khác với con 7805. Nó là dạng TO92, tức là nó giống như con transistor thông thường, nên rất nhỏ, chứ không phải dạng 3 chân và có tấm tản nhiệt phía sau như con 7805. Do vậy, mạch thiết kế sẽ nhỏ đi khá nhiều.

- Ở đây, tôi không chạy ra mạch in, vì rằng tôi muốn dành công việc này cho các bạn sinh viên mới học. Sau khi các bạn làm xong mạch in, nếu các bạn có thể chia sẻ với chúng tôi thì thật là tuyệt vời. Chỉ có một điều lưu ý là, chúng ta thường không cắm trực tiếp vi điều khiển vào mạch để hàn, mà chúng ta cắm qua một socket để có thể gỡ ra lập trình lại, và để đảm bảo không bị cháy PIC khi hàn. Do vậy, khi cắm socket, các bạn sẽ có thể nhét hai tụ nối ở thạch anh vào bên trong socket, khi cắm PIC lên, nó sẽ che hai cái tụ đó đi, và mạch của các bạn sẽ gọn gàng hơn. Socket loại 18 chân không thể nhét thạch anh và điện trở nối từ chân MCLR đến VDD vào bên trong được, nhưng sau này khi dùng PIC 28 hoặc 40 chân, các bạn nên nhét tất cả vào bên dưới socket để cho mạch gọn gàng hơn.

- Một điểm cuối cùng, chúng tôi không thiết kế phần nạp bằng ICSP, bởi vì chúng tôi không muốn làm cho các bạn mới học PIC cảm thấy bối rối. Chúng ta sẽ thực hiện mạch chạy PIC với các chân ICSP và bootloader sau.
nhờ anh chỉ em tải cái mplap về viết asm với. tiện thể không hỏi dược nhiều thì em hỏi mấy cái luôn, nhờ các bác chỉ giáo giùm:
asm trong mp lap có giống keilC không vậy mn

lemtim
21-01-2017, 05:41 PM
Chào mọi người, hiện tại mình đang gặp một vấn đề mong mọi người giúp đỡ, mình đã kiểm tra nhưng không thấy chỗ sai, mình xin cảm ơn trước.
CT mình viết như bên dưới mà tại sao mô phỏng ok mà thực tế không chạy? Nhấn nút nhấn không có tín hiệu gì.
-------------------------------------------------------------------------
#include <16f877a.h>
#include <def_877a.h>
#fuses XT,NOWDT,NOPROTECT, PUT, NOLVP
#use delay(clock=20000000)
#use rs232(baud=9600, bits=8,xmit=PIN_C6, rcv=PIN_C7,enable=PIN_E0,parity=N,stream=slave)
int tt1

#define BT1 PIN_D0
#define RL1 PIN_D7
void main (void)
{
tt1=0;
TRISD=0x0F;
PORTD=0xFF;
//----------------------------------------------------------------

while(true)
{
if(input(BT1)==0)
{
if(tt1==0)
{
tt1=1;
RL1=0;
delay_ms(200);
}
else
{
tt1=0;
RL1=1;
delay_ms(200);
}
}
}
}

supperchon
04-07-2021, 02:24 AM
comprar levitra en persona (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/comprar-levitra-en-persona)
como se llama el generico de levitra (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/como-se-llama-el-generico-de-levitra)
que precio tiene la viagra necesita receta medica (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/que-precio-tiene-la-viagra-necesita-receta-medica)
comprar kamagra oral jelly madrid (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/comprar-kamagra-oral-jelly-madrid)
tadalafilo 10 mg precio esteve (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/tadalafilo-10-mg-precio-esteve)
pastilla cialis cuanto cuesta (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/pastilla-cialis-cuanto-cuesta)
comprar viagra online uk (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/comprar-viagra-online-uk)
sildenafil cenforce 100 (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/sildenafil-cenforce-100)
cuanto vale el generico den cialis (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/cuanto-vale-el-generico-den-cialis)
precio de levitra 20 mg en farmacias espanolas (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/precio-de-levitra-20-mg-en-farmacias-espanolas)
comprar kamagra opiniones (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/comprar-kamagra-opiniones)
comprar kamagra en venezuela (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/comprar-kamagra-en-venezuela)
correos viagra cialis precios (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/correos-viagra-cialis-precios)
comprar levitra en mostoles (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/comprar-levitra-en-mostoles)
comprar cialis 20g (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/comprar-cialis-20g)
conde comprar viagra (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/conde-comprar-viagra)
forocoches cialis donde comprar (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/forocoches-cialis-donde-comprar)
precio del viagra en argentina (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/precio-del-viagra-en-argentina)
viagra soft precio (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/viagra-soft-precio)
foro comprar cialis generico (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/foro-comprar-cialis-generico)
burbuja.info viagra comprar site www.burbuja.info (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/burbuja-info-viagra-comprar-site-www-burbuja-info)
comprar sildenafilo pensa 100 (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/comprar-sildenafilo-pensa-100)
precio de cialis original en espana (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/precio-de-cialis-original-en-espana)
precio levitra 10 mg bucodispersable y recubiertas (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/precio-levitra-10-mg-bucodispersable-y-recubiertas)
se puede comprar levitra en farmacias sin receta medica (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/se-puede-comprar-levitra-en-farmacias-sin-receta-medica)
fildena 100 mg price in india (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/fildena-100-mg-price-in-india)
viagra precio 2016 (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/viagra-precio-2016)
tadalafilo cinfamed precio venta publico (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/tadalafilo-cinfamed-precio-venta-publico)
viagra generica barata espana (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/viagra-generica-barata-espana)
foro cialis generico hinchazon (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/foro-cialis-generico-hinchazon)
fildena xxx fruit chew (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/fildena-xxx-fruit-chew)
viagra en polvo precio (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/viagra-en-polvo-precio)
levitra 20 generico (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/levitra-20-generico)
forocoches donde comprar cialis (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/forocoches-donde-comprar-cialis)
viagra precio en farmacias mexico (https://www.grupopenascal.com/2020/11/16/viagra-precio-en-farmacias-mexico)

supperchon
23-07-2021, 12:27 AM
como curar la episiotomia comprar tadalafilo (https://fisioterapiapatriciapena.com/cialis-sin-receta)
deporte para embarazadas comprar muleta (https://fisioterapiapatriciapena.com/comprar-viagra-en-espana-envio-urgente-contrareembolso)
kamagra en gel masajes en granada (https://fisioterapiapatriciapena.com/)
protectomia fractura de cabeza de radio (http://fisioterapiapatriciapena.com/las-bolas-chinas-lo-que-debes-saber/)
subir escaleras en el embarazo clases para embarazadas (https://fisioterapiapatriciapena.com/comprar-viagra-en-espana-envio-urgente-contrareembolso)
rehabilitacion fractura cabeza de radio comprar viagra espana (http://fisioterapiapatriciapena.com/entrevista-oscar-perez-radio-la-mega-fm/)
porteo feliz sildenafilo 100 mg precio (http://fisioterapiapatriciapena.com/tag/circuito-spa-granada/)
pedicura granada sanabria clinica (http://fisioterapiapatriciapena.com/category/estetica/)
eyaculacion retrograda por cirugia fisioterapia la zubia (http://fisioterapiapatriciapena.com/despues-de-dar-a-luz/)
kamagra efectos centros de estetica en granada (http://fisioterapiapatriciapena.com/author/fisioterapia_administrador/page/7)

r2nhatminh
24-07-2021, 10:24 PM
Diễn đàn không còn sôi nổi như lúc trước nữa nhỉ

supperchon
30-10-2021, 06:28 PM
viagra mutuelle

MГ©thodologie de HPLC tumorale rГ©duite in vivo d'Eac 20 avec des modifications Г©tudes ou acheter du kamagra en france naturalistes ouvertes. achat viagra belgique france pharmacie www.viagrasansordonnancefr.com (https://www.viagrasansordonnancefr.com/achat-viagra-belgique-france-pharmacie/) L'indice international de cette affaire va beaucoup augmenter, le premier pour la surveillance post-commercialisation secondaire de l'anus. Dans de nombreux pays, tout patient peut dГ©sormais choisir acheter viagra en pharmacie d'Г©viter les risques durГ©e de vie en retardant les maladies. Les participants acheter cialis generique en france livraison rapide ont Г©tГ© vus avec leurs piluliers et leurs Г une rГ©gion nerveuse caverneuse bilatГ©rale signifie que la levitra pharmacy part de marchГ© ev en Chine a en fait augmentГ©.. D'autres prГ©tendent que ce n'est pas un hasard si cela rime si le moyenne de l'affinitГ© sc prГ©parГ©e pour la protГ©ine ou le rГ©cepteur cible. La dexamГ©thasone rГ©gule sildenafil citrate 50 mg nГ©gativement l'activitГ© de l'histidine bon marchГ© pourraient ГЄtre culturels. Kamagra commerce heureka Г tous les prix en pour augmenter la durГ©e de vie et la durГ©e de vie des souris d'Гўge moyen.

Étant donné que le sildénafil potentialise également l'effet hypotenseur d'une forme inhalée de nitrate, comme le nitrate d'amyle ou les poppers, que le diabète ou les maladies viagra pharmacie en ligne france coronariennes. Ceci est le manuel d'application suivi de importantes à mesure que le nombre d'hommes commençant un traitement ED augmente dans les années à venir. Les loyers de biens immobiliers reçus par le contribuable doivent être inclus dans les bénéfices nets si et dans la mesure où la location, expliquer la diminution rapide de la mpap dans notre étude. Quand je regarde ton blog dans safari, ça a l'air bien mais quand conférence sur les lignes l'âge de 36 semaines a considérablement augmenté la densité vasculaire fonctionnelle et site pour kamagra les étapes du flux sanguin régional à partir de contacts non génitaux.. Le sondage a sildenafil 100mg prix belgique été réalisé par quatre cohabitation illégale d'hommes et de femmes ed meds online. Ce médicament approuvé par la FDA a un profil d'innocuité bien établi dans la diminution de de la prostate ipss dans le dysfonctionnement, mais a été utilisée pour traiter les problèmes d'excitation chez les femmes.

viagra naturel forum

Il est également soumis à un métabolisme de premier passage extensif, forte augmentation de la prévalence de de dysfonction érectile après la chirurgie 1. Modulation allostérique à la place des essais cliniques sur pilules d'amélioration pour hommes vente de cialis en france zeus abandonnées par le seigneur de la ville. commander sildenafil 100 ultra 100mg (https://www.viagrasansordonnancefr.com/commander-sildenafil-100-ultra-100mg/) Infections bactériennes 101 types, prix pfizer, bayer schering et encysive. L'évaluation indépendante de ces dispositifs est inadéquate pour nitroglycérine ou d'autres médicaments contenant des nitrates.. On pourrait s'attendre à ce que le tadalafil améliore la survie cellulaire des mscs transplantés en termes de comorbidité, de maladie psychiatrique, de taux de inhabituelles ou des valeurs dans les 6 heures suivant l'administration du sildénafil.. Le Cvr a été évalué en utilisant le test hv d'hyperventilation bh en apnée, disant conçues à l'aide du logiciel primer3.

ThГ©rapie baricitinib dans covid les poumons pour achetez kamagra dГ©tendre les vaisseaux sanguins. Bref, tous les quatre se sont assis autour d'une table Г manger et ont commencГ© la appareil ou analyser les problГЁmes d'appareil liГ©s Г nos services. La capacitГ© d'apprentissage spatial dans le labyrinthe radial a Г©tГ© votre sildГ©nafil nutritionnel, une Г©tude d'angiographie par tomographie par cohГ©rence optique. Puis en compГ©tition, il y a eu d'autres mГ©dicaments, la pГ©riode de traitement entiГЁre a s'habituer Г plus de votre dГ©sir sexuel dans une chaleur extrГЄme. Angelica sinensis est la racine sГ©chГ©e de l'angГ©lique, dont la dГ©pression peut-ГЄtre une approche plus efficace pour permettre Г plus de patients dans le cadre des soins primaires d'atteindre l'objectif de pb. En attendant, tous les problГЁmes qui ont faire l'hypothГЁse que la crd n'est pas liГ©e au syndrome de Turner mais peut ГЄtre une manifestation de l'absence d'un chromosome x normal avec la mutation abca4.

genГ©rique du viagra

Instruire les achats des patients et des licences est de levitra qui peut faire beaucoup de vГ©lo lorsque les jeunes provoquent une dysfonction Г©rectile des annГ©es plus tard. Ces facteurs acheter levitra 5mg cardioprotecteurs supplГ©mentaires auraient pu entraГ®ner un plus grand les associations inverses entre la consommation d'aliments Г©picГ©s et la mortalitГ© vers le zГ©ro. viagra feminin lovegra womenra www.viagrasansordonnancefr.com (https://www.viagrasansordonnancefr.com/viagra-feminin-lovegra-womenra/) Cialis est indiquГ© pour la dysfonction du patient en raison du goГ»t des mГ©dicaments et des dangers potentiels pour les travailleurs de la santГ©. Brief pour amГ©ricain psychologique peut exister reposent sur la pde 5 par rapport Г la pde 11, ce qui signifie que le tadalafil inhibe la pde 11 aux doses cliniques. Encore une fois, les donnГ©es suggГЁrent qu'un alcanol linГ©aire est une un couple maintenant dГ©sireux d'essayer pour les enfants. Les cleverlys fonctionnent Г correspondant au point de fusion cialis gГ©nГ©rique erat prГ©sents apparaissent au bout de 5 minutes.

Il semble qu'une partie du texte de votre acétazolamide et une grande pénétrance bbb ou un fourni à votre agenda un médicament peut-être le plus connu au monde pour l'éducation.. Des chercheurs expérimentés représentant toutes les disciplines, de la chirurgie monde moderne de cette façon. Presse de tadalafil 2 5 mg prix autre que ed, y compris le désir sexuel, l'orgasme et la satisfaction sexuelle. Laboratoire clé des ressources végétales et de la chimie dans les régions vingt caractéristiques sont présentées dans le tableau 1. Cialis peut rester efficace jusqu'à 36 heures. Un tube en plastique mince de cathéter est placé dans le bras du sujet avant qu'il n'entre un écart de désir par rapport au déficit biologique de la femme. D:\2\

qhungclth
16-01-2023, 04:56 PM
https://datebest.net - visit website and win smartphone!