View Single Post
Old 04-03-2007, 11:51 PM   #2
falleaf
PIC Bang chủ
 
falleaf's Avatar
 
Tham gia ngày: May 2005
Bài gửi: 2,631
:
Send a message via Yahoo to falleaf
Viết luận văn tốt nghiệp như thế nào?

Trong bài này, F trình bày 2 vấn đề chính, vấn đề thứ nhất là vấn đề kết cấu của luận văn tốt nghiệp, vấn đề thứ hai là vấn đề trình bày chi tiết trong luận văn tốt nghiệp.

1) Kết cấu của một luận văn tốt nghiệp:

a) Số trang cần thiết cho một luận văn tốt nghiệp:
F viết luận văn tốt nghiệp, ban đầu chỉ khoảng 50 trang, sau đó bị bắt em phải viết dài và viết chi tiết hơn, cuối cùng sau một đêm tái chế, cái luận văn của F thành 130 trang (có lẻ).

Vì sao phải viết dài? Vì thực tế các thầy cô hướng dẫn đa phần không quan tâm đến chúng ta làm cái gì, sau khi làm xong, các thầy cô bắt chúng ta phải viết toàn bộ nội dung đó vào trong luận văn, để làm tài liệu cho các sinh viên tham khảo sau này. Stupid!

Tại sao F lại nặng lời như vậy? Một thực tế, đó là các thầy cô đó không có trách nhiệm đối với việc theo dõi đề tài, cho nên họ bắt viết thật dài và thật chi tiết. Điều thứ hai, họ sợ đề tài sơ hở, cho nên họ thường bắt sinh viên viết cho dài, để người đọc cuốn luận văn cầm lên là thấy nản lòng rồi, khỏi đọc, xem trình bày rồi cho qua. Kết quả, nếu sinh viên làm đề tài tốt, nhưng trình bày không khéo, giỏi 10 điểm về chỗ quỳ gối.... Nói chung, rất nhiều cái bất cập trong cái việc làm luận văn tốt nghiệp. Hàng bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ, đã tốt nghiệp ở nước ngoài rồi, nhưng không hiểu sao vẫn không sắp xếp một cái luật giới hạn về số trang trong luận văn, và chuẩn hóa luận văn. Hoặc thậm chí có luật rồi, nhưng mà chẳng mấy ai chịu áp dụng nó, hoặc thậm chí cố tình làm sai...

Có thể F là người ít chịu tìm hiểu kỹ càng các thông tin này, nhưng thực tế là không hề có một văn bản một tiêu chuẩn nào cho luận văn mà F được nhìn thấy mặt mũi nó. Có một quy định duy nhất là quy định luận văn thạc sĩ, tiến sĩ của bộ... dùng font chữ .Vntimes!!!! từ những năm 1990!!! << Quá stupid. Không hề có một sự cập nhật thay đổi nào, hoặc bất kỳ một sự phổ biến nào đến với sinh viên.

Đánh giá chung sau khi theo dõi một số luận văn đại học ở INPG và Ulsan, cộng với tham khảo một số luận văn các bạn sinh viên gửi cho F xem, một số luận văn của các bạn làm luận văn ở BK HN, BK HCM, một số đĩa CD luận văn VN,.. Theo F, một luận văn tốt cho sinh viên đại học, nên được viết trong tầm 50 - 80 trang.

Vì sao nên giới hạn số trang như vậy. Một khi sinh viên không có gì để viết, 80 trang là con số bao gồm 50% là chép sách. Vậy tội vạ gì phải làm khổ cả sinh viên, rồi lại lên án sinh viên là chép sách và chép lại luận văn?

Vì sao không nên giới hạn ngắn hơn? Bởi vì đơn giản, sinh viên đại học chưa có thói quen viết báo khoa học, những gì họ viết và trình bày còn khá thô sơ, họ chưa đánh giá được cái gì nên viết, cái gì không nên viết vì đã có rồi, hoặc cái gì là có mà thông dụng, cái gì là có mà không thông dụng... Có nhiều người viết luận văn thạc sĩ cũng còn muốn viết thật nhiều để đưa tất cả nội dung vào trong luận văn đó, viết càng nhiều càng tốt??!! Để làm gì vậy? Không hiểu. Nhưng viết ngắn mới là vấn đề khó khăn, viết dài như F thì tính trung bình mỗi năm F viết khoảng 2000 bài trên các diễn đàn, quá dễ.

Viết sao cho nó có chất, là một vấn đề khó. Vậy không nên giới hạn quá ngặt nghèo.

b) Làm sao giải quyết vấn đề cấu trúc?

Trong quá trình làm luận văn, nên có những báo cáo từng giai đoạn, các báo cáo đó có thể làm 1 tháng một lần. Như vậy, khi làm luận văn, sẽ có 6 báo cáo trước đó để tham khảo, và không cần viết quá dài dòng trong luận văn. Rất buồn cười là trong luận văn của F bị bắt đưa cái phần mạch nạp PIC vào trong luận văn . Bởi vì lúc đó bộ môn CDT chưa xài PIC, cho nên F phải có cái phần đó trong báo cáo!!?? Tại sao không phải là một báo cáo ngắn bên ngoài luận văn nhỉ, nếu như cần yêu cầu F?

Có một luận văn của trường KHTN mà F nhận được về PIC16F877, gần như chép và dịch datasheet của PIC ra và tốt nghiệp. Stupid!! Đây không phải là lỗi của sinh viên, mà là lỗi của giảng viên hướng dẫn, quá thiếu trách nhiệm với những đề tài như vậy.

Nói điều này để thấy rằng nội dung đề tài cũng ảnh hưởng tới cấu trúc đề tài một cách nghiêm trọng. Khi mà không có nội dung gì, thì không thể viết, khi có quá nhiều thứ linh tinh gom vào trong đề tài, thì luận văn trở thành cái thùng rác.

c) Không bao giờ quên cấu trúc căn bản mà thế giới đã làm cả nhiều chục năm nay:

Tôi định làm gì? Tại sao tôi phải làm? Anh đã làm cái gì? Tôi nghĩ rằng anh chưa tốt, hoặc chưa phù hợp với cái tôi muốn làm; cho nên tôi làm theo cách này, cách kia của tôi, hoặc anh làm quá tốt tôi muốn nghiên cứu lại và áp dụng vào cái thực tế của tôi; tôi đề nghị làm thế này! Tôi cần có một số kết quả và đạt mục đích tôi định làm! Tôi có thể làm gì hơn thế?

Rất nôm na và rất đơn giản.

Nếu một luận văn không chỉ ra được điều này, luận văn dù ở cấp bậc nào cũng vứt vào thùng rác là vừa.

Như câu chuyện F kể ở trên về cô bạn mẹ F. Đề tài cấp nhà nước đó, mặc dù về mặt công nghệ rất hay, nhưng tốn tiền nghiên cứu, không ứng dụng được, tốn thời gian, có thể những nghiên cứu cấp cao sẽ đẻ ra những cái về sau về lâu về dài, và từ một nghiên cứu có thể đẻ ra nhiều công nghệ từ nó; còn đối với một đề tài cấp đại học, thì rõ ràng thực sự là một sự vớ vẩn không cần thiết.

F nói điều này, sinh viên không dốt, trí thông minh con người đa phần đều sàng sàng nhau. Sinh viên quá lười thì không nói, nhưng sinh viên có khả năng học và làm việc thì sao? Có những trường hợp, sinh viên gặp những người thầy tốt, chỉ trong vòng 6 tháng, 1 năm ngắn ngủi, họ làm được những điều thực sự ngoài sức tưởng tượng của các bạn đồng học. Nó càng khẳng định rằng, trách nhiệm của các giảng viên ngày càng nặng nề hơn, và trách nhiệm hướng dẫn những điều này cho sinh viên là một điều tối cần thiết.

d) Đừng bao giờ cho rằng sinh viên dở hơn giảng viên

Có rất nhiều giảng viên sai lầm cho rằng sinh viên thằng nào cũng như thằng nào, con nào cũng như con nấy, tụi nó biết gì mà làm?

Xin thưa, thử nhìn vào giới CNTT, sinh viên giỏi hơn giảng viên là chuyện vô cùng bình thường và vô cùng dễ thấy.

Các bạn sinh viên cũng nhớ rằng, nếu các bạn nghiên cứu một vấn đề gì đó, các bạn phải là người giỏi nhất, am tường về vấn đề đó nhất, ít nhất là các bạn phải có sự tự tin đó. Các bạn phải biết nhiều hơn giáo viên hướng dẫn của bạn về vấn đề đó, vì có những cái mà giáo viên của bạn không thể biết được. Nếu bạn làm điều gì đó mà cả giáo viên của bạn cũng nắm hết đến chi tiết rồi, thì tốt hơn là để cho giáo viên của bạn làm luận văn đó cho bạn.

Nói như vậy là để khích lệ tinh thần các bạn, nhưng các bạn đừng lấy đó để làm cái kiêu ngạo. Giảng viên của các bạn, có thể không biết những cái rồng rắn bên trong mà các bạn làm, mà thậm chí các bạn làm những cái thần không biết, quỷ không hay, nhưng mà các bạn có thể phù phép cho nó một cách hoàn hảo. Oki. Nhưng giảng viên của các bạn biết một điều mà chắc chắn các bạn không thể biết, đó là định hướng.

Nhiệm vụ của giảng viên của các bạn là định hướng cho các bạn, vì vậy, điều mà giảng viên của các bạn chắc chắn giỏi hơn bạn, đó là định hướng cho một đề tài. Nếu như giáo viên của bạn thậm chí không biết định hướng, đó là lỗi của giảng viên, nhưng nếu như bạn kiêu ngạo cho rằng mình làm tất cả mọi thứ mà không ai biết, các bạn nhanh chóng trở thành stupid.

e) Trình bày một luận văn:

Từ những tinh thần đó, những suy nghĩ đó, luận văn, là trình bày những cái trên kia, nhưng luận văn là cái mà tự bạn viết ra. Trước tiên, nó là lý luận, sau đó nó là văn là chữ.

Cho nên, khi các bạn nhìn vòng quanh, và quan sát, hiểu được rằng mình nên làm gì, mình đã làm gì, mình muốn gì, giảng viên muốn gì... bạn sẽ có một cách viết thật tốt, cách hành văn hiệu quả cho luận văn của mình.

Cứng chắc với những gì mình làm, bảo vệ cái định hướng mà mình làm. Đó gọi là bảo vệ luận văn. Cho nên, cần trình bày rõ ràng, khúc chiết, có cơ sở lý luận bằng các tài liệu tham khảo, có một giọng văn cách phân tích khiến người đọc thu hút, một cấu trúc rõ ràng, bạn có rất nhiều cái lợi.

Tạm thời, F viết tới đây, và lưu ý, F viết với suy nghĩ của một sinh viên, không phải suy nghĩ của một người nghiên cứu. Có thể các giảng viên khi đọc bài viết này sẽ cảm thấy không hài lòng. F thành thật xin lỗi, nhưng để đạt cái mục đích cho sinh viên cảm thấy thoải mái và tự tin, cũng như biết mình cần phải làm gì, F đã viết như vậy. Xin thành thật xin lỗi, nếu như có bất kỳ sự đụng chạm nào tới các giảng viên, đặc biệt là các giảng viên trẻ của các trường đại học trong cả nước.

Chúc vui.
falleaf vẫn chưa có mặt trong diễn đàn   Trả Lời Với Trích Dẫn